Cuộc họp tham vấn “Cơ hội hợp tác xây dựng nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu

(Kết nối cơ hội hợp tác với Đối tác công nghệ Úc)”

Sáng ngày 19/03/2024, tại Trung tâm Học liệu, Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu (DRAGON-Mekong), Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) hợp tác với tổ chức Beanstalk, một tổ chức đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp của Úc, và MBI Innovation Challenges Company Limited (MBI Innovation) tổ chức Cuộc họp tham vấn “Cơ hội hợp tác xây dựng nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu (Kết nối cơ hội hợp tác với đối tác công nghệ Úc)”. Cuộc họp có sự tham gia của 13 doanh nghiệp và tổ chức Agritech hàng đầu từ Úc với mục tiêu mang lại những cơ hội hợp tác và phát triển mới trong lĩnh vực nông nghiệp thông minh, đặc biệt tập trung vào hai ngành tôm và lúa gạo. 

Tham dự chương trình có Ông Justin Ahmed (Giám đốc, tổ chức Beanstalk), Bà Lily Tao (Chủ nhiệm dự án, tổ chức Beanstalk), Bà Lê Thị Thanh Giang (Chủ tịch Liên Hiệp các tổ chức hữu nghị Thành phố Cần Thơ), PGS.TS. Nguyễn Hiếu Trung (Phó Hiệu trưởng Trường ĐHCT) cùng đại diện 13 công ty/tổ chức đến từ Úc, đại diện lãnh đạo các Sở ban ngành các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), các nhà khoa học, các nhà quản lý doanh nghiệp, đại diện các Viện, Trường ở khu vực ĐBSCL và quý thầy cô thuộc các đơn vị trực thuộc Trường ĐHCT.

Toàn cảnh cuộc họp tham vấn

Phát biểu khai mạc chương trình, PGS.TS. Nguyễn Hiếu Trung khẳng định vai trò của nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu là đảm bảo an ninh lương thực và đạt được các mục tiêu phát triển quan trọng khác trong điều kiện nhu cầu lương thực gia tăng và khí hậu thay đổi. Bên cạnh đó, Phó Hiệu trưởng hy vọng các sáng kiến nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu sẽ giúp cải thiện năng suất một cách bền vững, tăng cường khả năng chống chịu, giảm phát thải khí nhà kính (KNK) và góp phần lập hỗ trợ xây dựng kế hoạch giải quyết xung đột và hòa hợp giữa năng suất, thích ứng và giảm phát thải. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Úc, Phó Hiệu trưởng mong rằng đây sẽ là cơ hội hợp tác giữa các nhà cung cấp công nghệ hàng đầu Úc và các doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam để giải quyết những thách thức do tác động của biến đổi khí hậu (BĐHK) đang trở nên ngày càng rõ ràng và quan trọng.

 PGS.TS. Nguyễn Hiếu Trung, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHCT phát biểu khai mạc chương trình

Cũng tại chương trình, Ông Justin Ahmed chia sẻ mối quan hệ đối tác lâu dài giữa Úc và Việt Nam, đặc biệt là với các trường đại học và viện  nghiên cứu như Trường ĐHCT đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng nền tảng cho sự phát triển bền vững của hai bên. Ông Justin Ahmed hy vọng cuộc họp tham vấn với sự tham gia của các nhà cung cấp công nghệ hàng đầu Úc và các doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam sẽ mang lại những ý tưởng mới, góp phần vào sự phát triển của lĩnh vực nông nghiệp thông minh, với tập trung đặc biệt vào hai ngành chính là tôm và lúa gạo.

 Ông Justin Ahmed, Giám đốc, tổ chức Beanstalk phát biểu tại chương trình

Trong hơn 30 năm qua, nông nghiệp tăng trưởng mạnh mẽ đã cải thiện tình hình an ninh lương thực, giảm đói nghèo, đẩy mạnh xuất khẩu nông nghiệp từ đó tạo điều kiện cải thiện sinh kế cho gần một nửa lực lượng lao động cả nước. Tuy nhiên, tăng trưởng sản xuất nông nghiệp cũng tạo ra những tác động đáng kể đến môi trường. Nông nghiệp trở thành nguồn phát thải KNK lớn thứ hai sau ngành năng lượng vì sử dụng quá nhiều phân bón hóa học, thuốc trừ sâu và nước tưới nhằm đảm bảo năng suất. Sự gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan như xâm nhập mặn và hạn hán cho thấy BĐKH ngày càng rõ rệt hơn, gây ra nhiều tác động tiêu cực đối với môi trường sinh thái và sinh kế của cộng đồng dân cư. Do đó, việc chuyển đổi nông nghiệp truyền thống sang hướng thích ứng với BĐKH và bền vững với môi trường sẽ giúp ngành nông nghiệp khắc phục được những thách thức liên quan đến biến đổi khí hậu.

Cuộc họp tham vấn với sự tham gia của 13 Doanh nghiệp và tổ chức Agritech hàng đầu từ Úc, các doanh nghiệp Việt Nam cùng với đại diện các Sở Nông nghiệp & PTNT đã tạo ra những cơ hội hợp tác mới trong lĩnh vực nông nghiệp thông minh, đặc biệt tập trung vào hai ngành tôm và lúa gạo. Cuộc họp được diễn ra với hai bài báo cáo chính:

  • “Cơ hội và thách thức đối với 2 ngành tôm và lúa gạo thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu  tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long”
  • “Các giải pháp/công nghệ của Úc trong 2 ngành tôm và lúa gạo thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu”

PGS.TS. Huỳnh Việt Khải, Khoa Kinh tế Tài nguyên Môi trường, Trường Kinh tế, Trường Đại học Cần Thơ trình bày báo cáo “Cơ hội và thách thức đối với 2 ngành tôm và lúa gạo thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu  tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long”

 

Đại diện 13 công ty/tổ chức Úc trình bày các giải pháp/công nghệ của Úc trong 2 ngành tôm và lúa gạo thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu

Một số hình ảnh tại chương trình:

Các cuộc gặp ngắn 1-1 với đại diện 13 công ty/tổ chức của Úc để trao đổi các nội dung liên quan

Đại biểu chụp ảnh lưu niệm