Chuyến đi thực địa tại tỉnh Cà Mau và Sóc Trăng, nối tiếp chương trình tập huấn Tailor Made Training đợt 2 về “Chuyển đổi trong hệ thống thực phẩm: Đánh giá các tác động tài chính, sinh thái và xã hội của các mô hình nuôi tôm để phát triển nông thôn bền vững hướng tới chống chịu, hội nhập và công bằng tại ĐBSCL”

Sau khi chương trình tập huấn diễn ra tại Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu (DRAGON-Mekong) tại Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) từ ngày 25 đến 27 tháng 03, chuyến đi thực địa tại tỉnh Cà Mau và Sóc Trăng nối tiếp ngay sau đó từ ngày 28 đến 30 tháng 03, 2024. Chuyến đi với sự tham gia của các chuyên gia quốc tế đến từ Hà Lan và Bỉ, giảng viên và nghiên cứu viên tại các trường đại học: Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Quốc tế Việt Đức, Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Bạc Liêu, và cán bộ Viện DRAGON-Mekong. Đoàn công tác đã đến làm việc Ban quản lý rừng Đất Mũi, hộ dân được khoán đất nuôi trồng thủy sản dưới tán rừng, hộ dân canh tác mô hình tôm rừng kết hợp du lịch sinh thái tại tỉnh Cà Mau, và Hợp tác xã Nông ngư Hòa Đê tại tỉnh Sóc Trăng. Mục tiêu của chuyến đi là tham quan thực tế mô hình nuôi tôm kết hợp tán rừng và ứng dụng công nghệ xử lý tuần hoàn (Recirculating Aquaculture System – RAS) trong nuôi tôm. Thông qua khảo sát và phỏng vấn trực tiếp các nông hộ, từng mô hình được so sánh ba khía cạnh về kinh tế, xã hội và môi trường.

---------

 “Capacity Building for food system transformation: evaluating financial, ecological and social impact of different (shrimp) production systems and preparation for nature-positive rural development towards resilient, integrated and equitable ‘Food & Water’ systems” took place at the Institute Climate Change Research (DRAGON-Mekong)

  

Hình 1: Miêu tả chuyến đi thực địa tại tỉnh Cà Mau và Sóc Trăng

Ngày 29 tháng 03, đoàn công tác đến làm việc trực tiếp với Ban quản lý rừng phòng hộ Đất Mũi tại huyện Đất Mũi, tỉnh Cà Mau. Đại diện Ban quản lý (BQL) rừng, ông Tạ Minh Mẫn chia sẻ về quá trình hình thành, điều kiện tự nhiên, phát triển rừng kết hợp nuôi tôm bền vững có chứng nhận sinh thái quốc tế giúp nâng cao giá trị gia tăng, phát triển kinh tế hộ cho gia đình, cộng đồng dân cư (Hình 2). Tại địa phương, mô hình tôm rừng kết hợp chiếm mang đến giá trị kinh tế cao, theo thống kê năm 2023, số hộ tham gia canh tác mô hình này đạt 2.244 hộ, với diện tích canh tác đạt 10.623,8 ha. Nhờ sự hỗ trợ của BQL rừng, đoàn đến gặp và thảo luận với các hộ dân nuôi tôm trên địa bàn huyện Đất Mũi. Theo ông Nguyễn Minh Hoàng – chủ hộ nuôi tôm chia sẻ: “Môi trường ao nuôi khoảng hai ba năm gần đây đang bị đe dọa bởi xâm nhập mặn khi lấy nước từ biển vào ao nuôi, có khi độ mặn đến ngưỡng 30g/L. Tuy nhiên, sự chênh lệch về giá tôm qua từng năm không đáng kể, và đảm bảo được cuộc sống của hộ dân” (Hình 3). Tại khu du lịch sinh thái Năm Hướng theo mô hình tự cung tự cấp, cô Trần Thị Sợi – chủ vuông ao nuôi tôm kết hợp rừng ngập mặn chia sẻ: “Mô hình nuôi tôm dưới tán rừng ngập mặn tận dụng lợi thế từ các chất dinh dưỡng có trong tự nhiên, không sử dụng thức ăn công nghiệp. Với kinh nghiệm hơn 30 năm nuôi tôm cua, cấp nước đầu vào và tháo nước cho ao nuôi tôm đều dựa trên kinh nghiệm. Vì là mô hình tự cung tự cấp, nên đời sống hộ nuôi vẫn được đảm bảo tốt” (Hình 4).

Hình 2: Ông Tạ Minh Mẫn trình bày về mô hình kết hợp nuôi tôm bền vững tại địa phương

Hình 3: Ông Nguyễn Minh Hoàng chia sẻ với đoàn

Hình 4: Phỏng vấn hộ dân tại Khu du lịch sinh thái Năm Hướng về mô hình canh tác nuôi tôm, cua, sò kết hợp rừng ngập mặn tại huyện Đất Mũi, tỉnh Cà Mau

Chuyến đi thực địa tiếp tục di chuyển đến tỉnh Sóc Trăng ngày 30 tháng 03 để tham quan mô hình nuôi tôm kết hợp trồng lúa tại xã Hòa Tú 1, huyện Mỹ Xuyên. Ông Mã Văn Hồng – giám đốc HTX Nông ngư Hòa Đê cho biết: “Hai mô hình canh tác chủ yếu của thành viên hợp tác xã là mô hình lúa – tôm sú hoặc lúa – tôm thẻ, và trong quá trình canh tác, nông hộ tận dụng diện tích mặt nước nuôi thêm cá rô phi. Sản phẩm chủ yếu của HTX là gạo ST24, ST25, tôm khô, muối tôm, chả cá, bánh phồng tôm. Ngoài ra, HTX rất chú trọng đến vấn đề môi trường theo chính sách của địa phương: đảm bảo mật độ nuôi trồng thưa để giảm rủi ro bệnh tật cho tôm, và hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu trong quá trình trồng lúa” (Hình 5).

Hình 5: Giám đốc HTX Nông ngư cơ Hòa Đê chia sẻ về mô hình lúa tôm và các mặt hàng bán ra thị trường cho các tỉnh khác

 Một số hình ảnh trong suốt chuyến đi