Cuộc họp tổng kết trong chuỗi sự kiện của dự án “Đối thoại khai thác nước dưới đất” tại Bến Tre và Sóc Trăng từ ngày 24 đến 25 tháng 04

Hiện tượng sụt lún đất đang xảy ra ở nhiều nơi tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bởi nhiều tác nhân: độ nén tự nhiên, việc khai thác nước ngầm và độ tải bổ sung do mở rộng cơ sở hạ tầng và công trình xây dựng. Chính vì lý do đó, Nghị định số 167/2018/NĐ-CP  về Quy định việc hạn chế khai thác nước dưới đất ban hành ngày 26 tháng 12 năm 2018. Tuy nhiên, Nghị định này vẫn còn nhiều bất cập sau 05 năm triển khai. Vì vậy, Đại sứ quán Hà Lan tài trợ cho chuỗi hoạt động “Đối thoại khai thác nước dưới đất” ở Đồng bằng sông Cửu Long, với mong muốn đóng góp vào việc thực hiện hiệu quả các chính sách về tài nguyên nước nói chung và Nghị định số 167/2018/NĐ-CP nói riêng. Đây là dự án nối tiếp từ chuỗi dự án “Rise and Fall” (triển khai từ năm 2014 đến năm 2019) và dự án “Vấn đề quản trị nước dưới đất tại ĐBSCL” (thực hiện năm 2020).

Dự án “Đối thoại khai thác nước dưới đất” được phối hợp thực hiện chính giữa các đơn vị là Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu (DRAGON-Mekong) tại Trường Đại học Cần Thơ, Công ty The Water Agency và Viện Deltares của Hà Lan. Từ tháng 06 năm 2023, nhiều buổi họp tham vấn diễn ra giữa các bên liên quan về quản lý, khai thác và sử dụng nước dưới đất dưới sự hỗ trợ của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Sở NN&PTNT) và Sở Tài nguyên và Môi trường (Sở TN&MT) tại Bến Tre và Sóc Trăng. Sau sáu tháng thực hiện dự án, hai cuộc họp tổng kết được Đại sứ quán tổ chức và chủ trì diễn ra tại Bến Tre (24/04/2024) và Sóc Trăng (25/04/2024) với mục đích báo cáo về kết quả đạt được của từng hoạt động dự án, và lắng nghe ý kiến từ người tham dự để hoàn thiện hơn bộ công cụ đối thoại “Serious Game” về nước dưới đất. Đây cũng là dịp để các bên liên quan trao đổi về những thách thức, nhu cầu cấp  thiết và kỳ vọng trong tương lai. Tại hai cuộc họp ở Bến Tre và Sóc Trăng, đại diện Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan (Hình 1), đại diện  Sở ban ngành tại địa phương (Hình 2), và đại diện phía quản lý dự án (Hình 3) trình bày rõ mục tiêu, đánh giá từng hoạt động dự án, và thảo luận thêm về công cụ thảo luận “Serious Game” trong việc quản lý và sử dụng nguồn nước dưới đất.

Hình 1: Ông  Willem Timmerman - Bí thư thứ nhất về Khí hậu và Nước, Đại sứ quán vương quốc Hà Lan  gửi lời cảm ơn đến các bên liên quan đã hỗ trợ dự án được triển khai tại địa phương.

 

Hình 2: Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bến Tre, ông Dương Vĩnh Thịnh – Phó Giám đốc Sở TN&MT phát biểu về hiện trạng

Hình 3: Đại diện dự án, PGS. TS Văn Phạm Đăng Trí phát biểu khai mạc

Trước bối cảnh nguồn nước dưới đất bị hạn chế, tiết kiệm nước và trữ nước là một trong những giải pháp hiệu quả đang được quan tâm tại ĐBSCL. TS. Trần Thị Ngọc Bích – Phó Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ Môi trường tại Trường Đại học Trà Vinh (Hình 4) trình bày về hiện trạng của ngành nông nghiệp dưới tác động của biến đổi khí hậu, giới thiệu các giải pháp trữ nước, và làm thế nào để đa dạng sinh kế cho người dân tại ĐBSCL. Trong phần thảo luận, TS. Trần Thị Ngọc Bích đã đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến các thách thức mà mô hình canh tác tại địa phương đang gánh chịu, cũng như giải pháp được triển khai là gì. Tại cuộc họp, nhiều nông hộ đã nêu ra những khó khăn khi hạn mặn xảy ra tại khu vực canh tác; tuy nhiên, giải pháp trữ nước hiện tại vẫn chưa đảm bảo đủ nước cho mùa khô. Vì vậy, những chia sẻ của TS. Trần Thị Ngọc Bích được đánh giá rất cao và bản thân nông hộ sẽ thử áp dụng lên chính mô hình canh tác hiện tại.

Hình 4: TS. Trần Thị Ngọc Bích trình bày các giải pháp trữ nước và tiết kiệm nước trong nông nghiệp tại ĐBSCL

Để các bên liên quan có thể thảo luận hiệu quả hơn, bà Đinh Phương Trang (Hình 5) – Điều phối viên Viện Deltares (Hà Lan) trình bày công cụ mô phỏng đối thoại sử dụng nước dưới đất thông qua trò chơi mô phỏng “Serious Game”, và giới thiệu các giải pháp hữu ích (hệ thống tưới nhỏ giọt, trữ nước mặt, bổ cập nước dưới đất) nhằm giảm sự phụ thuộc nguồn nước dưới đất trong quá trình canh tác. Công cụ “Serious Game” là cách tiếp cận hiệu quả giúp các bên liên quan dễ dàng thảo luận về tầm quan trọng của nước dưới đất, sự san sẻ nguồn nước giữa các nông hộ ở mỗi vùng, và mức độ ảnh hưởng của chỉ số nước dưới đất lên mức độ sụt lún cho toàn vùng. Sau khi trải nghiệm công cụ thảo luận “Serious Game”, các bên liên quan cùng nhau thảo luận thêm về mối liên quan giữa nước dưới đất và sụt lún, hiệu quả khi áp dụng các giải pháp hữu ích, và thông điệp của công cụ mô phỏng này. Đây cũng là bước rất quan trọng trong dự án, các vấn đề được thảo luận trong hai cuộc họp giúp hoàn thiện hơn công cụ thảo luận “Serious Game” - một phương pháp phù hợp cho phép các bên liên quan cùng nhau đưa ra được giải pháp phù hợp với thực tế từng địa phương tại ĐBSCL.

Hình 5: Bà Đinh Phương Trang giải thích công cụ thảo luận “Serious Game” cho người tham dự

Một số hình ảnh tại hai cuộc họp:

Hình 6: Toàn thể đại biểu tham dự tại Bến Tre và Sóc Trăng.

 

Hình 7: Các nhóm tham gia trải nghiệm công cụ thảo luận “Serious Game” tại tỉnh Bến Tre

Hình 8: Các nhóm tham gia trải nghiệm công cụ thảo luận “Serious Game” tại tỉnh Sóc Trăng