Trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu (DRAGON-Mekong), Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) và Cơ quan Phát triển Quốc tế của Hoa Kỳ tại Việt Nam (USAID - Việt Nam), Chương trình Giáo dục Môi trường vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) do USAID tài trợ được triển khai hoạt động trong giai đoạn từ tháng 9 năm 2022 đến tháng 9 năm 2023. Ngày 21/9/2023, Viện DRAGON-Mekong đã tổ chức hội thảo tổng kết chương trình tại Hội trường Trung tâm Học liệu, Trường ĐHCT.

Chương trình tổng kết diễn ra với hai hoạt động chính gồm: Tổng kết hoạt động dự án đã được thực hiện tại 3 tiểu vùng ĐBSCL (tiểu vùng ngập lũ, tiểu vùng ngập ngọt và tiểu vùng mặn); triển lãm kết quả dự án và đối thoại với các bên liên quan về định hướng phát triển chương trình giáo dục môi trường giai đoạn tiếp theo.

Hoạt động tổng kết chương trình diễn ra sáng ngày 21/9/2023, với sự tham dự của hơn 20 thầy cô giáo, 28 bạn sinh viên thực hiện 14 dự án tại 13 trường THPT ở 13 tỉnh vùng ĐBSCL, cùng thành viên Ban quản lý dự án. Tại buổi họp, thành viên dự án đã cùng nhau tổ chức các hoạt động sôi nổi, hào hứng nhằm tổng kết rút bài học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện dự án. Song song, các nhóm dự án đã đưa ra các ý kiến đóng góp đề xuất cải tiến cho các hoạt động dự án giai đoạn 2.

Hoạt động tổng kết nhóm dự án tiểu vùng ngập lũ

Hoạt động tổng kết nhóm dự án tiểu vùng ngập ngọt

Hoạt động tổng kết nhóm dự án tiểu vùng mặn

Hội thảo các bên liên quan diễn ra buổi chiều cùng ngày 21/9/2023, khách mời tham dự hội thảo, có Ông Đoàn Quốc Trung, chuyên gia Quản lý dự án Giáo dục Đại học, USAID - Việt Nam; Ông Saengroj Srisawaskraison, Giám đốc chương trình YSEALI Mekong; TS. Nguyễn Thành Tựu, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ Môi trường, Trường Đại học Trà Vinh; Chị Võ Thị Xuân Quyên, Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng; Anh Nguyễn Phương, cán bộ Liên Đoàn Thương Mại và Công Nghiệp Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ; TS. Nguyễn Trần Vỹ, chuyên gia Viện Sinh học Nhiệt đới, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Về phía Trường ĐHCT, hội thảo có sự tham gia của PGS.TS. Trần Trung Tính, Phó Hiệu trưởng; PGS.TS. Văn Phạm Đăng Trí, Viện trưởng Viện DRAGON-Mekong. Ngoài ra, tham dự hội thảo còn có đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Cần Thơ, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sóc Trăng, và Quý thầy cô chuyên gia dự án, Quý Thầy cô là đại diện Ban giám hiệu và cán bộ đoàn 13 trường THPT ở 13 tỉnh ĐBSCL, sinh viên thực hiện dự án cùng hơn 100 bạn sinh viên Trường ĐHCT.

Toàn cảnh đại biểu tham dự buổi Hội thảo

Phát biểu tại chương trình tổng kết, PGS.TS. Trần Trung Tính đã gửi lời cảm ơn đến USAID - Việt Nam đã đồng hành với Trường ĐHCT và hy vọng sẽ có nhiều cơ hội hợp tác, hướng đến sự phát triển bền vững của ĐBSCL mục tiêu giúp ĐBSCL “là nơi đáng sống” cả trong hiện tại và tương lai. Phó Giáo sư chia sẻ, Chương trình Giáo dục Môi trường vùng ĐBSCL đã được triển khai với nhiều hoạt động ý nghĩa, từ xây dựng chương trình tập huấn giáo dục kiến thức về môi trường, biến đổi khí hậu và đa dạng sinh học đến nâng cao năng lực ứng phó cho lực lượng cán bộ giảng dạy, sinh viên và học sinh. Mạng lưới thanh niên được xây dựng có thể được xem như là một trong những thành công của Chương trình trong giai đoạn hiện tại và mong muốn rằng mạng lưới này sẽ tiếp tục được quan tâm, phát triển ở giai đoạn tiếp theo nhằm tạo tác động xã hội một cách sâu rộng.

PGS.TS. Trần Trung Tính phát biểu tại Hội thảo

Đại diện USAID - Việt Nam, Ông Đoàn Quốc Trung phát biểu tại Hội thảo

TS. Phan Kiều Diễm, Trợ lý chương trình giáo dục môi trường vùng ĐBSCL do USAID tài trợ đã giới thiệu các hoạt động nổi bật đã thực hiện trong thời gian vừa qua của dự án

Sau phần phát biểu, giới thiệu các hoạt động nổi bật của dự án, đại biểu và các bạn sinh viên có hơn một giờ tham quan triển lãm và lắng nghe trình bày các dự án  sáng kiến xoay quanh các chủ đề về quản lý rác thải tại trường học và nâng cao nhận thức về BĐKH và đa dạng sinh học tại các trường THPT đã được thực hiện tại 3 tiểu vùng ĐBSCL.

Quý vị đại biểu tham quan khu vực triển lãm các dự án thực hiện

Điểm nổi bật của hội thảo là buổi tọa đàm các bên có liên quan gồm nhà tài trợ, nhà khoa học, doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ, đại diện trường học, sinh viên về ba chủ đề “Quản lý rác thải tại trường học”, “Biến đổi khí hậu và đa dạng sinh học trong trường học”, và “Lồng ghép Giáo dục Môi trường vào trường học”. Tại tọa đàm, các bên có liên quan đã chia sẻ các góc nhìn đa chiều về thực trạng cũng như phương thức tiếp cận để nâng cao nhận thức thanh niên tại các trường học, làm thế nào để hoạt động giáo dục môi trường đạt hiệu quả tích cực, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của xã hội, và mang tính bền vững trong tương lai.

Diễn giả tham gia tọa đàm về “Quản lý rác thải tại trường học”

Diễn giả tham gia tọa đàm về “Biến đổi khí hậu và đa dạng sinh học trong trường học”

Diễn giả tham gia tọa đàm “Lồng ghép Giáo dục Môi trường vào trường học”

Các đại biểu đã lắng nghe và hỏi đáp đến các vị diễn giả

Phát biểu tổng kết chương trình, PGS.TS. Văn Phạm Đăng Trí đã gửi lời cảm ơn đến quý vị đại biểu tham dự chương trình. Thông qua tọa đàm, Phó Giáo sư chia sẻ, để thay đổi được hành vi cộng đồng của con người, đầu tiên phải bắt đầu từ giáo dục. Chương trình thanh niên của Viện DRAGON-Mekong luôn chú trọng đến tính bền vững của các dự án, kêu gọi tất cả mọi người tham gia để đưa ra các vấn đề còn tồn tại và cùng nhau giải quyết. Bên cạnh đó, để có  thể tạo ra hiệu quả cao hơn cho các dự án và xã hội, không thể thiếu sự chung tay của các doanh nghiệp. Phó Giáo sư cho biết, giai đoạn 2 của dự án sẽ tiếp tục trong thời gian tới, hứa hẹn sẽ có nhiều hoạt động với mục tiêu đưa chương trình giáo dục môi trường thật sự đi vào chiều sâu và tác động xã hội bền vững.

Các vị đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Một số hình ảnh khác tại Hội thảo:

Người đăng: Trần Quốc Dũng