Năm 2007, Ủy ban Liên Chính Phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) [1] đã cảnh báo 13 đồng bằng lớn trên thế giới sẽ bị ảnh hưởng do hậu quả của Biến đổi khí hậu và Nước biển dâng, trong đó đồng bằng sông Ganges-Brahmaputra (Bangladesh), đồng bằng sông Cửu Long (Việt Nam) và đồng bằng sông Nile (Ai Cập) được xếp vào mức độ nghiêm trọng. Do tầm quan trọng về an ninh lương thực, kinh tế, xã hội và văn hóa của hai đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Mississippi, Hoa Kỳ, ngày 25 tháng 06 năm 2008, Việt Nam và Hoa Kỳ đã có tuyên bố chung về việc thành lập Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu (gọi tắt là Viện DRAGON-Mekong), đặt tại Trường Đại học Cần Thơ.

DRAGON là chữ viết tắt của Delta Research And Global Observation Network (Mạng lưới Nghiên cứu Đồng bằng và Quan trắc Toàn cầu). Viện DRAGON-Mekong thuộc mạng lưới DRAGON toàn cầu, cơ sở tại đồng bằng Mekong. Việc thành lập mạng lưới này là nhằm mục tiêu thiết lập cơ sở thông tin toàn cầu, tăng cường quan hệ hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm lâu dài giữa các đồng bằng trên thế giới, đặc biệt là giữa hai đồng bằng Mekong và Mississippi. Viện DRAGON-Mekong là đầu mối kết nối các hoạt động nghiên cứu, giáo dục và chuyển giao kiến thức khoa học đến các nhà lãnh đạo, quản lý và cộng đồng cấp địa phương, khu vực, quốc gia và các đồng bằng khác trên thế giới nhằm mục đích nâng cao năng lực thích nghi của con người đối với thiên tai, phát triển bền vững kinh tế-xã hội và bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên.

Ngày 17/12/2008, Tổng thư ký Liên hiệp quốc (ông Ban Ki-moon) đã gọi năm 2009 là "Năm của Biến đổi Khí hậu". Bên cạnh đó, công tác nghiên cứu để hỗ trợ đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng đã được Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm, thể hiện cụ thể qua Nghị quyết 120/NQ-CP (2017) [2] về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.

Viện Nghiên cứu Biển đổi Khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ đã hình thành các nhóm nghiên cứu chuyên đề liên quan đến sự biến đổi khí hậu lên các mặt tài nguyên - môi trường, kinh tế - xã hội cũng như khả năng ứng phó của cộng đồng ở Đồng bằng sông Cửu Long và chính quyền các cấp. Cho đến hiện nay, Viện NC BĐKH đã được nhiều tổ chức trong và ngoài nước đã đến trao đổi và đề xuất các hướng hợp tác.

Tài liệu tham khảo

[1] https://archive.ipcc.ch/publications_and_data/ar4/wg2/en/xccsc3.html

[2] http://vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?class_id=509&_page=1&mode=detail&document_id=192249