Sáng ngày 10/12/2021, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Thành ủy Cần Thơ, Trường Đại học Cần Thơ tổ chức Hội thảo khoa học trực tuyến “Phát huy tiềm năng, lợi thế nhằm phát triển nhanh và bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong bối cảnh mới”. Đến tham dự hội thảo có các đại biểu đến từ Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Nam Cần Thơ, các cơ quan, ban ngành của thành phố Cần Thơ, Ban Giám đốc Học viện Chính trị khu vực IV, Văn phòng đại diện Tạp chí Cộng sản tại Cần Thơ và các nhà nghiên cứu khoa học của Học viện Chính trị khu vực IV.  Ngoài ra, Hội thảo còn kết nối trực tuyến với các điểm cầu bao gồm Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị khu vực IV, Học viện Chính trị khu vực II, Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Chính trị các tỉnh/thành phố ĐBSCL.

 

Hội thảo khoa học trực tuyến “Phát huy tiềm năng, lợi thế nhằm phát triển nhanh và bền vững vùng ĐBSCL trong bối cảnh mới”

 

GS, TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ (thứ hai từ phải sang) và các đại biểu tham dự hội thảo

PGS,TS. Văn Phạm Đăng Trí, Phó Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ  trình bày tham luận "Phát triển nông nghiệp bền vững ở vùng ngập lũ ĐBSCL trong bối cảnh thay đổi bất định của nguồn tài nguyên nước mặt và biến đổi khí hậu"

Hội thảo đã tiếp nhận hơn 100 bài tham luận của các cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhà khoa học gửi đến Hội thảo tập trung vào các vấn đề liên quan đến việc phát triển bền vững vùng ĐBSCL. Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu (Viện DRAGON-Mekong), Trường Đại học Cần Thơ xin trích dẫn một trong những bài tham luận nổi bật tại Hội thảo này. 


Tạo động lực tăng trưởng mới từ kinh tế sông

Nguyễn Sơn, Trưởng Văn phòng đại diện Tạp chí Cộng sản tại Cần Thơ

Phát biểu kết luận “Hội nghị lần thứ ba về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu”, ngày 13-3-2021 tại thành phố Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: “Chiến lược phát triển cần tận dụng được lợi thế, phát huy vai trò của các con sông để phát triển kinh tế nông nghiệp, lúa gạo, trái cây, thủy sản, giao thông và đặc biệt là hệ thống logistics đường sông thì mới thành công, mới có văn hóa ĐBSCL. Không có các dòng sông, các con rạch thì không phải là văn hóa của miền Tây Nam Bộ. “Nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ”, vai trò của các con sông là yếu tố không thể không nhắc đến khi nói về ĐBSCL”. Trên cơ sở đó, Thủ tướng đề nghị cần quan tâm nghiên cứu khái niệm “kinh tế sông” và bổ sung nội dung này vào các chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 120 - NQ/CP của Chính phủ “về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu” trong thời gian tới.

"Vận tải thủy, một tiềm năng cần được khai thác tốt của vùng ĐBSCL". Ảnh: Vũ Châu

Để tạo ra động lực phát triển mới trên cơ sở phát huy tốt nhất những tiềm năng, thế mạnh từ kinh tế sông và sớm tháo gỡ những hạn chế, bất cập trong phát triển kinh tế sông ở vùng ĐBSCL, thời gian tới, các cấp, các ngành từ trung ương đến các địa phương trong vùng cần chú trọng một số vấn đề sau:

Trước hết, cần xây dựng một chương trình cấp vùng có tính chiến lược về phát triển kinh tế sông phục vụ phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu theo tinh thần Nghị quyết 120 - NQ/CP của Chính phủ. Trên cơ sở đó, tăng cường liên kết vùng để khai thác, phát huy đúng mức giá trị kinh tế sông trong bối cảnh hội nhập quốc tế và tác động của biến đổi khí hậu. Các địa phương trong từng tỉnh, thành và giữa các địa phương trong vùng cần đạt được thỏa thuận, đồng thuận về định hướng, mục tiêu, phương thức khai thác, sử dụng nguồn nước từ hệ thống sông ngòi theo quan điểm “thuận thiên”, không can thiệp thô bạo vào quy luật vận hành tự nhiên của các dòng sông. Để bảo đảm tính bền vững trong phát triển kinh tế sông, điều quan trọng là phải bảo đảm tính công bằng, hợp lý về quyền lợi, nghĩa vụ phù hợp với hệ thống pháp luật có liên quan như: Luật Tài nguyên nước, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Thủy sản,… cùng các văn bản dưới luật có liên quan và Quy họach tích hợp phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL theo tinh thần Nghị quyết số 120 - NQ/CP của Chính phủ.

Hai là, để phát huy tốt lợi thế về giao thông thủy của vùng, Bộ Giao thông vận tải cùng các bộ, ngành trung ương và các địa phương tăng cường phối hợp, sớm triển khai thực hiện hoàn chỉnh Dự án Luồng tàu biển có tải trọng lớn vào sông Hậu để đảm bảo cho tàu 10.000 tấn đầy tải, 20.000 tấn giảm tải vào các bến cảng khu vực Cần Thơ; hình thành và tổ chức khai thác hiệu quả các tuyến vận tải công - ten - nơ kết nối khu vực ĐBSCL với các cảng biển khu vực Đông Nam Bộ; khẩn trương hoàn thiện quy hoạch cảng Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng là cảng đầu mối của vùng ĐBSCL, tăng cường phối hợp giữa Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành trung ương có liên quan với các địa phương trong vùng kêu gọi đầu tư, sớm xây dựng để xuất khẩu hàng hóa trực tiếp, giảm chi phí trung chuyển.

Ba là, trong giai đoạn 2021-2025, cần tập trung vốn đầu tư hoàn thành các dự án động lực vùng như: cải tạo luồng kênh Chợ Gạo giai đoạn 2 để tháo điểm nghẽn trên tuyến đường thủy kết nối vùng ĐBSCL với Thành phố Hồ Chí Minh; khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư Dự án phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam từ  nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới; Dự án nâng cao tĩnh không các cầu trên tuyến đường thủy quan trọng vùng ĐBSCL; rà soát đầu tư các hạng mục đảm bảo kết nối phương thức vận tải thủy với hàng hải và đường bộ nhằm giảm chi phí logistics. Phấn đấu đến 2030 đảm bảo các tuyến đường thủy được nâng cấp đúng chuẩn tắc luồng và tĩnh không cầu.

Bốn là, có cơ chế phát huy mạnh mẽ vai trò của người dân trong thực hiện các chương trình, kế hoạch bảo vệ tài nguyên nước nói chung và lưu vực sông nói riêng. Trong việc xây dựng, triển khai thực hiện các công trình, dự án có tác động đến nguồn nước từ các dòng sông, kênh, rạch, chính quyền và chủ đầu tư dự án cần thông qua các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể, hiệp hội,… để lấy ý kiến góp ý, phản biện của người dân, của các tổ chức, cá nhân có liên quan và xem đây như là một quy trình pháp lý cần thiết. Tăng cường công tác tuyên truyền và thực thi nghiêm các quy định pháp luật để hạn chế, ngăn chặn tình trạng tùy tiện xả rác, các chất thải từ sinh hoạt, sản xuất, dịch vụ ra các dòng sông, kênh, rạch làm ô nhiễm nguồn nước. Cấp ủy, chính quyền các địa phương cần chủ động trong công tác đánh giá tổng thể, rà soát, khảo sát lại các điểm sạt lở ven sông; tập trung các nguồn lực triển khai các giải pháp công trình và phi công trình để ứng phó tình trạng sạt lở bờ sông, nhất là ở những nơi có có đông dân cư sinh sống, có các công trình trọng yếu,...

Năm là, không gian ven sông là tài sản sở hữu, là lợi ích công cộng, nên trong quá trình xây dựng và triển khai thực hiện quy hoạch bờ sông, kênh, rạch, cần chú trọng thực hiện việc quản lý các dự án đầu tư xây dựng khu dân cư, khu đô thị mới, chỉnh trang đô thị, phát triển nhà, dự án nâng cấp đô thị phù hợp với yêu cầu bảo vệ và phát triển bền vững khu vực ven sông, không để xảy ra các hiện tượng xâm chiếm trái phép bờ sông. Chú trọng đầu tư phát triển hành lang dọc sông ở các đô thị lớn trong vùng cùng hệ thống kênh, rạch, ao, mương gắn với sông thành một hệ thống hạ tầng xanh đa chức năng, bao gồm giao thông thủy, môi trường, văn hóa, du lịch, kinh tế dịch vụ. Thực hiện phương thức đối tác công - tư, xã hội hóa đầu tư để huy động được nhiều nguồn lực trong xã hội tham gia thực hiện các dự án bảo vệ hành lang sông, kênh, rạch.

Sáu là, trong phát triển du lịch đường sông, các địa phương cần có chính sách khuyến khích, ưu đãi doanh nghiệp đầu tư kinh doanh các loại hình du lịch ven sông và trên sông như: phương tiện vận chuyển du khách, điểm dừng ven sông, bến tàu du lịch,… Song song đó, để đa dạng hóa sản phẩm du lịch đường sông, cần chú trọng hơn công tác quy hoạch và đầu tư giao thông kết nối điểm đón khách từ đường sông lên đường bộ; phát triển các tua du lịch đường sông liên tỉnh, liên tuyến, du lịch dọc sông Mê Công sang Cam-pu-chia. Quy hoạch khu vực ven sông gắn với việc liên kết các di tích văn hóa - lịch sử, các di sản kiến trúc ven sông, các làng nghề truyền thống, trong đó có việc nghiên cứu tôn tạo để tái sử dụng hay thay đổi công năng của các di tích kết hợp với các hoạt động kinh doanh, dịch vụ, tạo ra nét đặc thù để phát triển du lịch đường sông ở ĐBSCL.

Bảy là, tăng cường hợp tác, chia sẻ nguồn nước từ các dòng sông ở cấp độ liên quốc gia. Tiếp tục đẩy mạnh ngoại giao nguồn nước theo hướng thông qua Ủy ban Sông Mê Công Việt Nam tăng cường đàm phán, đối thoại với các quốc gia thượng nguồn về cách thức phân chia hợp lý, hài hòa tài nguyên nước trên sông Mê Công, bao gồm việc chia sẻ quyền lợi, minh bạch thông tin liên quan đến rủi ro mà các quốc gia - nhất là các quốc gia ở khu vực hạ nguồn - phải đối mặt khi các quốc gia ở thượng nguồn tiến hành các dự án can thiệp và nguồn nước, dòng chảy trên sông Mê Công. Trong đó, những thông tin cần được minh bạch như: thông số kỹ thuật, việc xây dựng, vận hành của các công trình, dự án từ phía thượng nguồn có thể làm ảnh hưởng đến nguồn nước sông Mê Công; quy trình vận hành các hồ chứa trong mùa mưa và mùa khô; những tác nhân gây ô nhiễm nguồn nước sông Mê Công trong quá trình vận hành các công trình ở thượng nguồn;…