Nhằm hưởng ứng các sự kiện Ngày Nước thế giới và Ngày Khí tượng thế giới, đồng thời, để góp phần thích ứng biến đổi khí hậu toàn cầu bằng hành động, nâng cao nhận thức và trao đổi kinh nghiệm quản lý cho các cơ quan chuyên môn các cấp, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang tổ chức hội thảo với chủ đề: "Khai thác, bảo vệ và sử dụng nước dưới đất để tồn tại và thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh An Giang" vào ngày 17/5/2022.

Tại buổi hội thảo, cán bộ Viện nghiên cứu Biến đổi Khí hậu đã có một số bài tham luận nhằm tăng cường sự lãnh đạo, nâng cao kiến thức và hướng dẫn chuyên môn bao gồm: "Kỹ thuật chống bốc hơi các hồ chứa nước" - PGS. Ts. Lê Anh Tuấn, "Quản trị tài nguyên nước tại Đồng bằng sông Cửu Long" - ThS. Nguyễn Quốc Cường, "Kỹ thuật thu gom và xử lý nước mưa" - Ts. Đinh Diệp Anh Tuấn.

Theo PGs. Ts. Lê Anh Tuấn, An Giang là tỉnh có số lượng hồ chứa nước cao nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với tổng dung tích xấp xỉ 5 triệu m3 nước, mỗi năm các hồ này bị mất nước do bốc hơi khoảng 3 triệu m3. Việc đề xuất các giải pháp hạn chế bốc hơi có ý nghĩa cho việc cấp nước sinh hoạt cho cư dân tại đây. Nếu 30% diện tích mặt thoáng được lắp đặt các tấm quang năng (solar panels) thì ngoài lợi ích giảm lượng hơi nước, dự án sẽ đem lợi ích như tạo ra điện sạch, giảm lượng rong tảo trong hồ gây mất oxy trong nước, không tốn chi phí đền bù đất đai. Đây là một giải pháp khả thi cho tỉnh An Giang trong ứng phó với biến đổi khí hậu mà các địa phương khác cũng có thể áp dụng.

Theo ThS. Nguyễn Quốc Cường, vấn đề sụt lún đất do khai thác nước dưới đất quá mức cũng là một vấn đề đáng báo động hiện nay tại ĐBSCL; tuy nhiên, do nguồn nước mặt có sẵn dần cạn kiệt và ô nhiễm nên người dân phải sử dụng nước dưới đất như một nguồn tài nguyên thay thế. Một số giải pháp đã được đề xuất và có khả năng áp dụng tại ĐBSCL có thể kể đến như bổ cập nước dưới đất nhân tạo, khoanh vùng hạn chế khai thác nước dưới đất. Vấn đề chia sẽ dữ liệu, xây dựng bộ cơ sở dữ liệu mở liên quan đến môi trường cần được thúc đẩy và quan tâm nhiều hơn nhằm tạo điều kiện cho các nhà khoa học, nghiên cứu, hoạch định chính sách, người dân và các công ty có liên quan có cơ sở để mở rộng phạm vi nghiên cứu, phát triển nông nghiệp, công nghiệp và tăng độ tin cậy cho các kết quả nghiên cứu.

Theo Ts. Đinh Diệp Anh Tuấn, giải pháp thu gom nước mưa đã được đánh giá có tính linh hoạt và thích ứng cao thay đổi khí hậu và môi trường. Việc triển khai ứng dụng hệ thống thu gom và sử dụng nước mưa sẽ  cấp một nguồn nước thay thế cho các hộ gia đình, cơ quan, xí nghiệp…, góp phần hạn chế khai thác nguồn tài nguyên nước dưới đất. Kỹ thuật thu gom và  lý nước mưa đã được Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ phát triển thành hệ thống thiết bị thu gom nước mưa dễ tiếp cận với nhiều đối tượng người sử dụng và đã được triển khai ứng dụng tại nhiều địa phương ở vùng ĐBSCL. 

PGS. Ts. Lê Anh Tuấn trình bày tham luận "Kỹ thuật chống bốc hơi các hồ chứa nước"

Ts. Đinh Diệp Anh Tuấn trình bày tham luận "Kỹ thuật thu gom và xử lý nước mưa"

ThS. Nguyễn Quốc Cường trình bày tham luận Quản trị tài nguyên nước tại Đồng bằng sông Cửu Long

Các chủ đề được hội thảo chia sẽ đã nhận được sự quan tâm từ các đại biểu tham dự. Đặc biệt, nhiều đại biểu đã đặt những câu hỏi cụ thể để triển khai áp dụng những các kết quả nghiên cứu, kỹ thuật thu gom và trữ nước mưa, trữ nước trong ao hồ cho các diễn giả.

(Tin và ảnh: Viện DRAGON-Mekong)