Khóa tập huấn “Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho thanh niên thành phố Cần Thơ”
Từ ngày 23 - 25 tháng 12 năm 2022, Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu (DRAGON-Mekong), Trường Đại học Cần Thơ đã phối hợp với Đoàn Thanh niên trường tổ chức hợp phần 1 của khóa tập huấn “Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho thanh niên thành phố Cần Thơ”. Đây là hoạt động được Phòng Văn hóa Thông tin Giáo dục thuộc Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh tài trợ thực hiện trong giai đoạn từ tháng 10/2022 đến tháng 9/2023 tại Trường Đại học Cần Thơ. Hoạt động của chương trình đã được triển khai ở Trường Đại học Cần Thơ (hợp phần 1), sắp tới các hoạt động hợp phần 2 được dự kiến triển khai tại 02 Trường Trung học phổ thông là Trường THPT Thực hành Sư Phạm và Trường THPT Thới Lai.
Bà Natella - Tùy viên Văn hóa của Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Tp. Hồ Chí Minh gửi lời chào và lời chúc thành công cho khóa tập huấn
Dự án được thực hiện với mục tiêu nâng cao nhận thức và năng lực bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu cho sinh viên và học sinh trên địa bàn thành phố Cần Thơ. Khóa tập huấn được thực hiện với sự tham gia của các giảng viên là những chuyên gia trong các lĩnh vực về xử lý chất thải rắn, giảm phát thải, truyền thông bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu và tài nguyên nước. Trong đó có TS. Lương Quang Huy là chuyên gia về giảm phát thải khí nhà kính đến từ Phòng Giảm nhẹ Phát thải Khí nhà kính và Bảo vệ tầng Ozon, Cục Biến đổi Khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường, PGS. TS Văn Phạm Đăng Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu cùng với quý Thầy, Cô đến từ Khoa Môi trường và TNTN, Trường Đại học Cần Thơ và Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu phụ trách giảng dạy chính cho khóa tập huấn trong các lĩnh vực có liên quan.
ThS. Lâm Thị Hoàng Oanh - Điều phối dự án giới thiệu chương trình và kế hoạch của toàn khóa tập huấn đến các bạn sinh viên
Ở hợp phần một, khóa tập huấn đã thu hút được 77 sinh viên đến từ các Khoa, Viện của Trường Đại học Cần Thơ đăng ký tham dự. Đến với khóa tập huấn, các bạn sinh viên được trang bị kiến thức về bảo vệ môi trường, nâng cao năng lực truyền thông của bản thân trong vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu tại gia đình, trường học và cộng đồng. Bên cạnh những kiến thức từ bài giảng mang lại, các bạn sinh viên còn được tiếp cận và làm quen với cách lên kế hoạch cho các hoạt động của một dự án về môi trường, biến đổi khí hậu và từ đó có thể ứng dụng để phát triển các dự án từ chính ý tưởng của các bạn.
Sự góp mặt của sinh viên tham dự tập huấn
Trong ba ngày học tập, các bạn sinh viên đã trải qua 5 buổi tập huấn với các chuyên gia, lồng ghép trong các buổi học là các hoạt động làm việc nhóm với các phần quà mang giá trị cao về tinh thần để giúp sinh viên nâng cao kỹ năng mềm của bản thân. Cũng từ các hoạt động này, sinh viên sẽ được thể hiện các thế mạnh và tìm được điểm mạnh của bản thân để phát huy cũng như các điểm yếu để khắc phục.
PGS.TS. Văn Phạm Đăng Trí - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu trao giấy chứng nhận và phần thưởng cho sinh viên tham dự khóa tập huấn
ThS. Trần Thị Thủy Tiên - Bí thư Đoàn thanh niên Trường Đại học Cần Thơ trao giấy chứng nhận và phần thưởng cho sinh viên tham dự khóa tập huấn
Dưới đây là một số hình ảnh tại lớp tập huấn:
TS. Lương Quang Huy - Cục Biến đổi Khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường, chia sẻ về nội dung “Các biện pháp giảm phát thải KNK để đạt được mục tiêu của Đóng góp do quốc gia tự quyết định”
TS. Huỳnh Vương Thu Minh - Khoa Môi trường và TNTN, chia sẻ về nội dung “Sử dụng hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên nước trong điều kiện khan hiếm nước”
PGS. TS. Nguyễn Thành Giao - Khoa Môi trường và TNTN, chia sẻ về nội dung “Thực hành và nhận thức về xử lý chất thải rắn ở gia đình, trường học
và cộng đồng”
TS. Đinh Diệp Anh Tuấn - Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu, chia sẻ về nội dung “Thực hành và nhận thức về xử lý chất thải rắn ở gia đình, trường học
và cộng đồng”
Hoạt động làm việc nhóm và trình bày kết quả của học viên:
Chương trình của dự án hướng đến các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp quốc như sau:
Mục tiêu |
Chỉ tiêu |
Nội dung |
Mục tiêu 4 - Đảm bảo giáo dục chất lượng toàn diện và công bằng và thúc đẩy cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người |
4.4 |
Đến năm 2030, tăng đáng kể số lượng thanh niên và người trưởng thành có các kỹ năng liên quan, bao gồm kỹ năng kỹ thuật và dạy nghề, để có việc làm, việc làm bền vững và khởi nghiệp |
4.7 |
Đến năm 2030, đảm bảo rằng tất cả người học có được kiến thức và kỹ năng cần thiết để thúc đẩy phát triển bền vững, bao gồm thông qua giáo dục về phát triển bền vững và lối sống bền vững, nhân quyền, bình đẳng giới, thúc đẩy văn hóa hòa bình và không bạo lực, toàn cầu quyền công dân và đánh giá cao sự đa dạng văn hóa và đóng góp của văn hóa cho sự phát triển bền vững |
|
Mục tiêu 6 - Đảm bảo sẵn có và quản lý bền vững nước và vệ sinh cho tất cả mọi người |
6.6 |
Đến năm 2020, bảo vệ và khôi phục các hệ sinh thái liên quan đến nước, bao gồm núi, rừng, vùng đất ngập nước, sông, tầng ngậm nước và hồ |
6.a |
Đến năm 2030, mở rộng hợp tác quốc tế và hỗ trợ xây dựng năng lực cho các nước đang phát triển trong các hoạt động và chương trình liên quan đến nước và vệ sinh môi trường, bao gồm thu hoạch nước, khử muối, sử dụng nước hiệu quả, xử lý nước thải, công nghệ tái chế và tái sử dụng |
|
6.b |
Hỗ trợ và tăng cường sự tham gia của cộng đồng địa phương trong việc cải thiện quản lý nước và vệ sinh |
|
Mục tiêu 11 - Làm cho các thành phố và khu định cư của con người trở nên toàn diện, an toàn, linh hoạt và bền vững |
11.6 |
Đến năm 2030, giảm tác động tiêu cực đến môi trường tính theo đầu người của các thành phố, bao gồm bằng cách đặc biệt chú ý đến chất lượng không khí và quản lý chất thải đô thị và các chất thải khác |
Mục tiêu 12 - Đảm bảo mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững |
12.5 |
Đến năm 2030, giảm đáng kể lượng chất thải phát sinh thông qua phòng ngừa, giảm thiểu, tái chế và tái sử dụng |
12.8 |
Đến năm 2030, đảm bảo rằng mọi người ở mọi nơi đều có thông tin và nhận thức phù hợp về phát triển bền vững và lối sống hài hòa với thiên nhiên |
|
Mục tiêu 13 - Hành động khẩn cấp để chống biến đổi khí hậu và các tác động |
13.1 |
Tăng cường khả năng phục hồi và thích ứng với các hiểm họa liên quan đến khí hậu và thiên tai ở tất cả các quốc gia |
13.3 |
Cải thiện giáo dục, nâng cao nhận thức, năng lực con người và thể chế về giảm thiểu, thích ứng, giảm thiểu tác động và cảnh báo sớm với biến đổi khí hậu |
|
13.b |
Thúc đẩy các cơ chế nâng cao năng lực lập kế hoạch và quản lý hiệu quả liên quan đến biến đổi khí hậu ở các quốc gia kém phát triển nhất và các quốc đảo nhỏ đang phát triển, bao gồm tập trung vào phụ nữ, thanh niên và các cộng đồng địa phương và bị thiệt thòi |
(Tin và ảnh: Viện DRAGON-Mekong)