BẾ MẠC CHƯƠNG TRÌNH TẬP HUẤN LAN TOẢ

Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs): SDG4, SDG5, SDG13, SDG16, SDG17

Ngày 23 tháng 4 năm 2023, Lễ bế mạc Chương trình tập huấn lan tỏa “Dự án sáng kiến của thanh niên về hành động ứng phó với biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long” đã được thực hiện tại Tòa nhà Công nghệ cao (ATL), Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT). Chương trình thực hiện trong khuôn khổ “Chương trình Giáo dục Môi trường vùng đồng bằng sông Cửu Long do USAID tài trợ”, cũng là một trong chuỗi các hoạt động thuộc của Chương trình “Nâng cao năng lực chống chịu của thanh niên với tác động của biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long” (Gọi tắt là Y-CoRe) thông qua hợp tác giữa Viện DRAGON-Mekong và Cơ quan Phát triển Quốc tế của Hoa Kỳ tại Việt Nam (USAID – Việt Nam), cùng Hội đồng Anh tại Việt Nam.

Các thành viên Ban tổ chức cùng với đại biểu và các bạn sinh viên chụp ảnh lưu niệm

Chương trình tập huấn diễn ra trong 3,5 ngày, từ 17:00 Thứ Năm, ngày 20/4/2023 đến hết ngày Chủ Nhật (23/4/2023). Buổi tập huấn đã thu hút được sự quan tâm tham gia của hơn 130 sinh viên thuộc các Khoa, Viện, Trường của Trường Đại học Cần Thơ và Trường Đại học Trà Vinh. Đến với chương trình, phía đại diện Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam, ông Đoàn Quốc Trung, chuyên gia quản lý dự án đã chia sẻ về tinh thần, mục tiêu, và mong muốn đạt được từ Chương trình.

Chia sẻ từ anh Đoàn Quốc Trung - chuyên gia quản lý chương trình, cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam

Ngoài ra, chương trình tập huấn còn nhận được sự chia sẻ từ nghệ sỹ Mzung Nguyễn về việc sử dụng yếu tố nghệ thuật và truyền thông trong việc lan tỏa các giá trị tích cực có liên quan đến biến đổi khí hậu, môi trường, đa dạng sinh học và bình đẳng giới.

Chia sẻ của nghệ sĩ Mzung Nguyễn về lăng kính nghệ thuật

Trong 2 ngày tập huấn cuối, các bạn sinh viên và Quý Thầy Cô từ 13 tỉnh, thành phố trực thuộc ĐBSCL đã được chia thành 3 nhóm ý tưởng dự án liên quan đến ba lĩnh vực Khoa học – Nghệ thuật – Truyền thông. Các nội dung được tập huấn trong Chương trình đã trang bị cho học viên kiến thức về biến đổi khí hậu, các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu tại địa phương và các bước thiết yếu để chuẩn bị và phát triển dự án sáng kiến thanh niên tại địa phương. Đặc biệt, nội dung ứng dụng nghệ thuật và truyền thông vào các hoạt động của dự án đã được lồng ghép vào chương trình tập huấn, đây là một phương pháp nghiên cứu mới giúp tăng tính lan tỏa và truyền cảm hứng trong các dự án cộng đồng.

 

Quý Thầy Cô đến từ 13 trường thuộc 13 tỉnh ĐBSCL

Tại ngày tập huấn cuối, ngày 23/4/2023, BTC đã tổ chức “Phiên chợ ý tưởng”, tại đây các nhóm sinh viên đã có cơ hội trình bày ý tưởng sáng kiến của mình về các vấn đề đang được quan tâm tại khu vực có liên quan đến các chủ đề như tác động của BĐKH, ô nhiễm môi trường, rác thải nhựa, đa dạng sinh học, giới và bình đẳng và nhận được rất nhiều những ý kiến đóng góp từ các Mentor và người tham dự. Trong buổi chiều cùng ngày, sau khi thu hoạch và kết thúc dự án, BTC tóm tắt lại dự án, giới thiệu các tiêu chí chấm điểm, các mốc thời gian quan trọng để nộp các ý tưởng dự án và tạo tiền đề để bắt đầu triển khai phát triển 24 dự án gồm 13 dự án truyền thông và 11 dự án nghiên cứu khoa học ở giai đoạn tiếp theo.

“Phiên chợ ý tưởng” tại chương trình

Các nhóm sáng kiến nhận góp ý từ các Mentor

Ban tổ chức Chương trình tập huấn

Hoạt động của các nhóm dự án sáng kiến thanh niên

Tin và ảnh: Ánh Minh, Quốc Cường, Kim Oanh, Hải Minh, Quốc Khánh, Thiện Duy

Người đăng bài: Trần Quốc Dũng