Vào buổi chiều ngày 07/06/2023, ba buổi tham vấn liên quan đến các hoạt động được thảo luận được diễn ra song song tại DRAGON-Mekong. Ban tổ chức đã vinh dự mời được các chuyên gia và cố vấn từ Đại học Cần Thơ, Đại học Bangor (Vương Quốc Anh), DRAGON-Mekong, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, Trường Đại học Thủy Lợi, Tập đoàn Lộc Trời cùng tham gia thảo luận với IUCN. Đại diện DRAGON-Mekong, TS. Đinh Diệp Anh Tuấn phát biểu chào mừng.

TS. Đinh Diệp Anh Tuấn đại diện DRAGON-Mekong phát biểu.

Mục tiêu chính là giới thiệu ba dự án tiềm năng phía IUCN nhằm mục đích xây dựng kế hoạch thích ứng biến đổi khí hậu và phát triển bền vững tại ĐBSCL, bao gồm: Dự án nông nghiệp bền vững quỹ tài trợ IKEA, dự án thu hẹp vùng ven biển tài trợ bởi quỹ UBS, và dự án bảo vệ hệ sinh thái ven biển vùng ĐBSCL (MDC) được tài trợ bởi USAID. Từ đó, tạo ra cơ hội thảo luận chi tiết cho ba phiên tham luận nối tiếp. Tại đây, các chuyên gia tiến hành luận bàn về nhiều vấn đề xoay quanh ba dự án được giới thiệu, thảo luận, và đóng góp ý kiến để hoàn thiện hơn bức tranh phát triển bền vững tại ĐBSCL.

TS. Nguyễn Thanh Phong (IUCN) đang chủ trì tham luận cho dự án IKEA.

TS. Andrew Wyatt (IUCN) và TS. Nguyễn Đức Tuấn (IUCN) đồng chủ trì phiên tham luận về dự án UBS.

Ông Chu Thế Cường cùng các chuyên gia thảo luận về dự án MDC.

Tiếp tục câu chuyện về kế hoạch ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển bền vững của ĐBSCL. Ngày 08/06/2023, hai buổi tập huấn được diễn ra với sự tham gia đông đảo của quý Thầy Cô, chuyên gia, và cố vấn từ nhiều đơn vị khác nhau: Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn, Học Viện Tài nguyên nước Việt Nam, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn, DRAGON-Mekong, IUCN, Đại học An Giang, Đại học Cần Thơ (Trường Thủy sản, Trường Nông nghiệp, Khoa Môi trường và Tài nguyên Thiên Nhiên), Đại học Thủy lợi, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, và Công ty Lộc Trời. Đầu tiên, Bà Bimson Kathryn (IUCN) đã có phần trình bày trực tuyến nêu rõ vai trò quan trọng của các giải pháp thuần tự nhiên khi được ứng dụng vào khía cạnh nông - lâm - ngư nghiệp tại ĐBSCL. Dựa trên thách thức xã hội hiện nay, Bà Kathryn đã đưa ra các tiêu chí đánh giá: giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu rủi ro thiên tai, phát triển kinh tế xã hội, sức khỏe, an ninh lương thực, nước sạch, môi trường suy thái và mất đa dạng sinh học. Bà nhấn mạnh rằng: “Điều quan trọng nhất khi ứng dụng các giải pháp này, là đảm bảo sinh kế của người dân và bảo vệ sức khỏe của môi trường sinh thái và đa dạng sinh học cho đồng bằng”.

Bà Kathryn cùng các chuyên gia trong phiên thảo luận sáng ngày 08/06/2023.

Tại buổi thảo luận, TS. Andrew Wyatt (IUCN) đã có phần trình bày rất cụ thể về chủ đề “Nông nghiệp dựa vào lũ (FbA) như một giải pháp thuận tự nhiên để khôi phục các chức năng hệ sinh thái của vùng ngập lũ tại thượng nguồn ĐBSCL”. Và TS. Wyatt cũng nhận định rằng việc xác định các trở ngại trong xã hội của vùng thượng nguồn là điều hết sức quan trọng. Cụ thể, vấn đề nan giải của ĐBSCL hiện nay là dần dần suy giảm khả năng chống lũ và chống chịu ven bờ.

Trong phiên thảo luận, TS. Nguyễn Thanh Phong đã điều phối tập huấn về công cụ phát triển bền vững trong nông nghiệp như một giải pháp thuần tự nhiên. TS. Phong đưa ra cụ thể ba mô hình nông nghiệp: (1) Mô hình nông nghiệp áp dụng canh tác ướt khô xen kẽ (AWD); (2) Mô hình nông nghiệp áp dụng chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), và (3) Mô hình nông nghiệp thông minh. Mỗi nhóm thảo luận sẽ đưa ra quan điểm cụ thể về các thách thức của mỗi mô hình nông nghiệp này thông qua ví dụ cụ thể, dựa trên các thách thức mà Bà Kathryn đã nhấn mạnh trước đó. Một số hình ảnh được ghi nhận tại buổi phỏng vấn, do TS. Nguyễn Thanh Phong điều phối.

TS. Nguyễn Thanh Phong (IUCN) giải thích các tiêu chí và cách đánh giá.

Các nhóm thảo luận về kết quả sau phần đánh giá.

Các nhóm thực hiện đánh giá mô hình nông nghiệp của nhóm.

Người viết: Nguyễn Luyến Phương Đoan

Người đăng: Trần Quốc Dũng