Trải nghiệm công cụ thảo luận “Serious Game” trong buổi họp tham vấn hai tỉnh

Bến Tre và Sóc Trăng tại Trường Đại học Cần Thơ

Ngày 29/11/2023, cuộc họp thứ tư trong chuỗi sự kiện “Đối thoại khai thác nước dưới đất ở ĐBSCL” diễn ra tại Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT). Nội dung cuộc họp lần này dựa trên báo cáo của ba cuộc họp trước về việc quản lý và sử dụng nguồn nước dưới đất tại tỉnh Sóc Trăng và Bến Tre, và phát triển công cụ thảo luận “Serious Game” phù hợp với điều kiện tại ĐBSCL. Tại cuộc họp, công cụ này được giới thiệu cho cán bộ địa phương thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Nông nghiệp Phát triển - Nông thôn, Doanh nghiệp và Nông hộ tại 2 tỉnh Sóc Trăng và Bến Tre, nhằm lấy ý kiến của người tham gia dưới góc nhìn của người nông dân – nhìn thấy được thách thức hiện tại để thấu hiểu – hỗ trợ hoàn thiện công cụ “Serious Game”. Trong lúc trải nghiệm, người tham gia được giới thiệu nhiều giải pháp giảm thiểu mức độ phụ thuộc vào nước dưới đất, nhằm duy trì hoạt động kinh doanh nông hộ vững chắc và giữ cho vùng đồng bằng được bền vững. Đại diện Ban tổ chức, PGS.TS Văn Phạm Đăng Trí – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu (DRAGON-Mekong) phát biểu khai mạc (Hình 1) và chia sẻ quan ngại của mình khi nguồn nước dưới đất đang gặp nhiều thách thức trong việc quản lý và sử dụng tại ĐBSCL. PGS.TS Văn Phạm Đăng Trí hy vọng việc trải nghiệm công cụ “Serious Game” thông qua hình thức trò chơi mô phỏng sẽ giúp người tham gia nhìn rõ hơn vấn đề đang xảy ra tại ĐBSCL và xác định được cách thức sử dụng nguồn nước sử dụng hiệu quả hơn.

 

Hình 1: PGS.TS Văn Phạm Đăng Trí phát biểu khai mạc.

Trong cuộc họp, PGS.TS Nguyễn Hồng Quân – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tuần hoàn (ĐHQG-HCM) đã tham gia báo cáo về các chính sách quản trị sử dụng nước dưới đất tại ĐBSCL khi nguồn nước này đứng trước nguy cơ của hạn hán, xâm nhậm mặn, ô nhiễm nguồn nước và các vấn đề khác liên quan (Hình 2). Các yếu tố liên quan đến việc hạn chế khai thác nước dưới đất hay đánh giá các tác động liên quan đến yếu tố sụt lún tại ĐBSCL cũng đã được đề cập vào các văn bản và quy định quản lý về sử dụng nguồn nước dưới đất. Tuy nhiên, các địa phương vẫn còn gặp khó khăn trong việc giám sát và thực hiện khi quy định được ban hành. Trong tình huống này, xây dựng công cụ hay khung chính sách quản lý nước dưới đất đòi hỏi sự liên kết giữa các giải pháp liên quan đến tài chính, pháp luật, kỹ thuật và tạo nên sự đồng thuận giữa các bên liên quan và liên địa phương tại ĐBSCL. Trong Nghị định 167, xây dựng  cơ chế phân vùng trong quản lý nước dưới đất cũng đã quy định cụ thể để làm tiền đề cho việc đánh giá thực thi nguồn tài nguyên này ở giai đoạn dự án tiếp theo. Tại đây, PGS.TS Nguyễn Hồng Quân trình bày các điểm mấu chốt để quản lý hiệu quả nước dưới đất tại ĐBSCL, đặc biệt là sự gắn kết đa chiều của các cơ quan liên quan (Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, và Sở Xây Dựng) cần có sự tương tác chặt chẽ. Bên cạnh đó, việc hợp tác giữa cơ quan nhà nước và các trường Đại học – đặc biệt là các nhà khoa học tại các trường – cần được kết nối để nghiên cứu các vấn đề về chính sách quản lý hay hỗ trợ kỹ thuật trong việc quản lý và khai thác nguồn nước dưới đất đạt hiệu quả cao. Vấn đề thực thi và đánh giá nguồn nước dưới đất cần được đặt trong bối cảnh của toàn ĐBSCL nhằm tích hợp và tính toán các giải pháp phù hợp nhất đối với tình trạng hiện tại; cũng như, cơ sở dữ liệu lưu trữ và giải pháp tài chính nên được quan tâm nhiều hơn để hỗ trợ việc thực thi quản lý nguồn nước dưới đất hiệu quả hơn.

 

Hình 2: PGS.TS Nguyễn Hồng Quân báo cáo về chính sách nước dưới đất.

Tại cuộc họp, PGS.TS Phạm Quý Nhân – Nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên Môi trường Hà Nội đã có bài chia sẻ về thực trạng và thách thức của tài nguyên nước dưới đất tại ĐBSCL. Nước dưới đất vẫn còn tiềm năng về trữ lượng có thể khai thác, nhưng nguồn nước này đang bị đe dọa bởi vấn đề xâm nhập mặn và ô nhiễm nước. Vấn đề xâm nhập mặn đã xảy ra từ rất lâu, và nó ảnh hưởng đến sự phân bố vùng nước mặn, nước lợ và nước ngọt tại ĐBSCL. Lý do gây ra hiện tượng xâm nhập mặn khá phức tạp và khai thác nước dưới đất lại liên quan trực tiếp đến phân vùng mặn – lợ - ngọt. Do đó, người sử dụng nước cần có kiến thức nền tảng để hiểu được ranh giới phân bố mặn ngọt và xây dựng chiến lược sử dụng nước dưới đất hiệu cho canh tác nông nghiệp theo cách hiệu quả nhất. Khai thác quá mức nước dưới đất là nguyên nhân chủ yếu gây ra sụt lún đất tại ĐBSCL; vì vậy, việc quản lý và sử dụng nguồn nước dưới đất cần được chặt chẽ hơn và rà soát song song với Nghị định 167.

 

Hình 3: PGS.TS Phạm Quý Nhân trình bày các vấn đề tác động lên nguồn nước dưới đất.

Công cụ “Serious Game” được trải nghiệm bằng cách mô phỏng thương thảo sử dụng nguồn nước dưới đất thông qua trò chơi, giới thiệu bởi Bà Đinh Phương Trang – Điều phối viên Viện Deltares (Hình 4). Người tham gia trải nghiệm làm người nông dân với mục tiêu duy trì nông trại và sử dụng hợp lý nguồn nước có sẵn cho tưới tiêu. Bên cạnh đó, người tham gia nhắm đến mục tiêu chung là giữ cho vùng đồng bằng khỏe mạnh và hạn chế được các tác động tiêu cực của việc sử dụng quá mức nguồn nước dưới đất. Sau 05 vòng trải nghiệm, người tham gia được phỏng vấn nhanh thông qua bộ câu hỏi đánh giá dựa trên các vấn đề liên quan đến nước dưới đất, đây cũng là cơ sở để hoàn thiện hơn công cụ thảo luận “Serious Game”.

 

Hình 4: Bà Đinh Phương Trang giới thiệu công cụ thảo luận “Serious Game”.

Một số hình ảnh của 04 nhóm tham gia trải nghiệm công cụ thảo luận “Serious Game”: