TẬP HUẤN “ỨNG DỤNG VIỄN THÁM PHỤC VỤ NGÀNH TÀI NGUYÊN MÔI TRƯỜNG” thuộc dự án “Sự phát triển của các hoạt động viễn thám ở Việt Nam – Giai đoạn 4 (CSIRO-Boeing)

Chương trình tập huấn “Ứng dụng viễn thám phục vụ ngành Tài nguyên Môi trường” đã diễn ra 02 ngày (13-14/3/2024) tại Trường Đại học Cần Thơ, là hoạt động nằm trong khuôn khổ triển khai dự án “Sự phát triển của các hoạt động viễn thám ở Việt Nam – Giai đoạn 4 (CSIRO-Boeing)”, hợp tác giữa Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) với Tổ chức Nghiên cứu Khoa học & Công nghiệp của khối thịnh vượng chung Úc (CSIRO) và công ty Boeing (Hoa Kỳ). Chương trình nhận được sự quan tâm và đăng ký tham dự của hơn 20 đại biểu bao gồm cán bộ thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng (đơn vị phối hợp chính trong khuôn khổ đề tài), cùng với giảng viên, nghiên cứu viên, học viên cao học và sinh viên đang theo học tại Trường Đại học Cần Thơ.

Toàn cảnh các thành viên tham dự chương trình tập huấn

Mở đầu chương trình tập huấn, PGS. TS Nguyễn Hiếu Trung, phó hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ đã phát biểu khai mạc và chia sẻ, đây là chương trình rất có ý nghĩa, không chỉ là một phần hoạt động của dự án, mà còn là cơ hội trực tiếp để hỗ trợ, nâng cao năng lực tiếp cận, ứng dụng công nghệ vào công tác quản lý đất đai cho địa phương.

 

PGS.TS Nguyễn Hiếu Trung phát biểu khai mạc chương trình tập huấn 

Về phía đại diện tổ chức CSIRO, TS. Nguyễn Nguyên Minh đã bày tỏ sự vui mừng và mong muốn có thêm nhiều cơ hội để hỗ trợ cho các địa phương ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

TS. Nguyễn Nguyên Minh chia sẻ tại buổi tập huấn 

Sau phần phát biểu khai mạc của đơn vị tổ chức, chương trình tập huấn diễn ra với nội dung được chia thành hai phần chính:

  • Phần 1: Tập trung vào tiếp cận lý thuyết với các chia sẻ về cơ sở dữ liệu  viễn thám, dữ liệu đám mây, khối dữ liệu Open Data Cube (ODC), và nền tảng Jupyter notebook được hướng dẫn bởi hai chuyên gia CSIRO, Ông Matt Paget và TS. Andrew Prata.

Giới thiệu về 02 chuyên gia đến từ tổ chức CSIRO, Ông Matt Paget (bìa trái), TS. Andrew Prata (giữa)

  • Phần 02: Thực hành phân loại hiện trạng sử dụng đất ứng dụng ODC với hệ thống code được nhóm thành viên dự án của Trường Đại học Cần Thơ và CSIRO phát triển trên nền tảng Jupyter notebook.

Hướng dẫn thực hành bởi nhóm thành viên dự án từ Trường Đại học Cần Thơ, ThS Nguyễn Kiều Diễm, KS. Đặng Hiếu Nghĩa

Thông qua các hoạt động tập huấn, học viên có cơ hội được tiếp cận và làm việc trên nền tảng hiện đại, bán tự động để cho ra kết quả phân loại hiện trạng sử dụng đất thay thế các phương pháp thủ công tốn kém dung lượng, thời gian và thao tác xử lý phức tạp.

Kết thúc 02 ngày tập huấn, các anh chị học viên công tác tại Sở Tài nguyên Môi trường cho biết đã hiểu thêm kiến thức về vận dụng viễn thám, ODC vào công tác phân loại hiện trạng sử dụng đất mặc dù việc xử lý dữ liệu bằng nền tảng đám mây là hoàn toàn mới. Đồng thời, nhiều học viên bày tỏ mong muốn có cơ hội được tham gia vào những lớp tập huấn tương tự nhằm nâng cao trình độ chuyên môn. Lớp tập huấn tạo cầu nối chuyển giao kiến thức, kỹ năng và công nghệ được phát triển từ chuyên gia CSIRO cho cán bộ, giảng viên, và nghiên cứu viên ở Việt Nam nhằm tạo nguồn lực và nền tảng cho sự phát triển trong tương lai khi ứng dụng viễn thám vào thực tiễn công tác quản lý nhà nước về đất đai. 

 

Các học viên nhận được giấy chứng nhận cấp bởi Trường Đại học Cần Thơ và tổ chức CSIRO

 

 Một số hình ảnh trong khóa tập huấn