BẢN TIN HỘI THẢO CÀ MAU

Ngày 28/6/2024, Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu (DRAGON-Mekong), Trường Đại học Cần Thơ phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Cà Mau tổ chức hội thảo “Báo cáo kết quả về xây dựng mô hình mô phỏng trữ lượng nước dưới đất trên địa bàn tỉnh Cà Mau” trong khuôn khổ đề tài cấp tỉnh “Nghiên cứu đề xuất giải pháp quản lý tổng thể tài nguyên nước dưới đất thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Cà Mau giai đoạn 2023 – 2025” do Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau chủ quản.

Mục tiêu của hội thảo nhằm báo cáo kết quả đạt được theo kế hoạch thực hiện đề tài cho đến giai đoạn hiện tại và ghi nhận đóng góp phản hồi của các chuyên gia và cán bộ quản lý địa phương đối với từng mảng kết quả liên quan. Kết quả đạt được của hội thảo là cơ sở quan trọng cho việc triển khai các bước nghiên cứu tiếp theo, đặc biệt là việc hoàn chỉnh mô hình toán nước dưới đất và xây dựng các kịch bản mô phỏng trữ lượng nước dưới đất trên địa bàn tỉnh Cà Mau giai đoạn 2030, 2050 và 2070 trong bối cảnh bị tác động của BĐKH cũng như chịu sự chi phối của phát triển kinh tế - xã hội.

Hội thảo đã nhận được sự quan tâm và tham gia của nhiều cơ quan, tổ chức khác nhau như: Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Cà Mau, Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Cà Mau, Liên đoàn Quy hoạch Điều tra tài nguyên nước Miền Nam, Trung tâm Nước sạch Vệ sinh Môi trường Nông thôn tỉnh Cà Mau và Công ty Cổ phần Cấp nước tỉnh Cà Mau. Trong đó, một số vấn đề nổi bật được trao đổi tại buổi hội thảo như:

Các đại biểu tham dự mong muốn kết quả của đề tài này sẽ giúp đánh giá được khả năng khai thác nước dưới đất trong tương lai trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu và nhu cầu sử dụng nước ngày càng cao dưới tác động của phát triển KT-XH tại tỉnh Cà Mau. Từ đó, hỗ trợ cho việc đưa ra các giải pháp khai thác nước dưới đất cũng như cấp nước trong tương lại trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

 

Phát biểu kết thúc Hội thảo, PGS.TS. Văn Phạm Đăng Trí (chủ nhiệm đề tài) nhấn mạnh, đề tài này được đề xuất thực hiện với mong muốn số hoá các số liệu hiện có tại các cơ quan quản lý nhà nước thành các thông tin có thể áp dụng tại địa phương trong công tác quản lý nguồn tài nguyên nước dưới đất. Đầu ra của mô hình mô phỏng trữ lượng nước dưới đất có thể không hoàn thiện như các đề tài khoa học cơ bản nhưng phải phản ánh được thực trạng xu thế cũng như có thể hỗ trợ cho công tác quản lý nguồn tài nguyên nước dưới đất tại địa phương.