Tăng cường hiệu quả tập huấn nâng cao năng lực cộng đồng - đề tài “Thích ứng biến đổi khí hậu tại Cà Mau”

Ngày 25/9/2024, Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu (DRAGON-Mekong) – Trường Đại học Cần Thơ phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau tổ chức buổi hướng dẫn thực tế phương pháp ủ phân hữu cơ bằng vật liệu và nguồn tài nguyên bản địa cho 02 cộng đồng tại xã Tân Lộc và Trí Phải, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau. Đây là hoạt dộng nhằm nâng cao hiệu quả của tập huấn “Thích ứng biến đổi khí hậu trong sản xuất lúa-tôm tại Cà Mau”. Tập huấn được dự kiến thực hiện vào tháng 9 và tháng 10 năm 2024 trong khuôn khổ đề tài Thích ứng biến đổi khí hậu tại Cà Mau”. Viện DRAGON-Mekong thực hiện đề tài với sự tài trợ của Tập đoàn Archer Daniels Midland (ADM) trên cơ sở cùng thúc đẩy các hành động hướng đến phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Tham dự buổi hướng dẫn có lãnh đạo và cán bộ Uỷ ban nhân dân, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội cựu chiến binh, Hợp tác xã và người dân tại xã Tân Lộc và xã Trí Phải. PGS. TS. Nguyễn Khởi Nghĩa, giảng viên cao cấp và cộng sự tại Trường Nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ là chuyên gia chính triển khai công tác tập huấn.

PGS. TS. Nguyễn Khởi Nghĩa đã hướng dẫn phương pháp ủ phân thụ động với các nguyên liệu ủ có sẵn tại địa phương như rơm, xơ dừa, vỏ đậu, vỏ bắp, cám gạo... Phần đầu chương trình, PGS. TS. Nguyễn Khởi Nghĩa đã chia sẻ lý thuyết về các phụ phẩm nông nghiệp hữu cơ có thể làm nguyên liệu ủ, phân tích thành phần của các nguyên liệu, các yếu tố ảnh hưởng quá trình ủ, quy trình ủ, nguyên tắc thiết kế đống ủ và kỹ thuật kiểm tra đống ủ.

Hình: Hướng dẫn kỹ thuật và lợi ích của việc ủ phân hữu cơ quy mô hộ gia đình tại xã Trí Phải

Hình: Hướng dẫn kỹ thuật và lợi ích của việc ủ phân hữu cơ quy mô hộ gia đình tại Uỷ ban Nhân dân xã Tân Lộc

Sau đó, chuyên gia cùng với đại biểu tham dự đã thực tế triển khai hai đống ủ tại nông hộ ở xã Trí Phải và tại Uỷ ban Nhân dân xã Tân Lộc. Việc thực tế triển khai đã giúp cộng đồng thực hành lý thuyết có được, từ đó giúp cộng đồng có thể triển khai tại nhà mình theo nguồn phụ phẩm hữu cơ nông hộ. Trong buổi làm việc, PGS. TS. Nguyễn Khởi Nghĩa cũng chia sẻ cách xử lý rác thải hữu cơ phát sinh từ sinh hoạt của gia đình để tạo chế phẩm vi sinh và nuôi ruồi lính đen.

 

Thực hành ủ phân compost tại nông hộ xã Trí Phải

 

Thực hành ủ phân compost tại Uỷ ban Nhân dân xã Tân Lộc

Qua buổi hướng dẫn và chia sẻ của PGS. TS. Nguyễn Khởi Nghĩa, cộng đồng tại xã Tân Lộc và Trí Phải đã nhận thấy “tầm quan trọng của việc ủ phân hữu cơ trồng thực phẩm sạch phục vụ cho gia đình hướng đến sản xuất rau an toàn,giảm ô nhiễm môi trường”. Cộng đồng bày tỏ mong muốn tham gia và được hỗ trợ nhiều hơn trong việc sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, tiếp cận các mô hình sản xuất và xử lý chất thải bằng phương pháp đơn giản, ít tốn kém và tận dụng nguồn nguyên liệu có sẵn tại địa phương. Cộng đồng đã dành sự quan tâm đặc biệt đến nội dung chương trình tập huấn vào tháng 10 tới, để có thể tiếp cận các chuyên gia nhiều kinh nghiệm trong sản xuất lúa-tôm và tham quan thực tế các mô hình sản xuất nông nghiệp. Thêm vào đó, việc tìm hiểu cách vận hành của Cống Cái Lớn – Cái Bé để biết thêm thông tin quản lý tài nguyên nước mặt của khu vực phục vụ cho sản xuất nông nghiệp cũng được cộng đồng mong đợi.

Một số hình ảnh khác trong ngày làm việc: