Chương trình tập huấn “Thích ứng biến đổi khí hậu trong sản xuất lúa-tôm”
Ngày 27-28/10/2024, Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu (DRAGON-Mekong) - Trường Đại học Cần Thơ phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau tổ chức chương trình tập huấn “Thích ứng biến đổi khí hậu trong sản xuất lúa-tôm” tại huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau. Hoạt động nằm trong khuôn khổ đề tài “Thích ứng biến đổi khí hậu tại Cà Mau” được hợp tác giữa Viện DRAGON-Mekong và Tập đoàn Archer Daniels Midland (ADM tại Việt Nam) thực hiện trong thời gian 12 tháng (từ tháng 12/2023 đến tháng 12/2024). Mục tiêu của chương trình tập huấn nhằm mục đích hỗ trợ cộng đồng địa phương nâng cao năng lực sản xuất thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Chương trình tập huấn có sự tham gia của các chuyên gia đến từ Trường Đại học Cần Thơ, Chi cục Thuỷ sản tỉnh Cà Mau, Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Cà Mau, đại diện Uỷ ban nhân dân huyện Thới Bình, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Thới Bình, đại diện lãnh đạo và cán bộ Uỷ ban nhân dân xã Trí Phải và Tân Lộc. Đặc biệt là sự tham dự của hơn 100 thành viên của HTX Quyết Thắng, HTX Tân Lộc Phát và người dân của hai xã thực hiện đề tài.
Ông Nguyễn Trần Thức - Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Cà Mau phát biểu tại buổi tập huấn
ThS. Lâm Thị Hoàng Oanh - Cán bộ Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu phát biểu tại buổi tập huấn
Đại diện cộng đồng quan trắc xã Trí Phải và xã Tân Lộc chia sẻ về những thành quả đạt được của cộng đồng quan trắc và thích ứng tại huyện Thới Bình
Chương trình tập huấn diễn ra trong hai ngày (27-28/10/2024) tại huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau; huyện Châu Thành và TP. Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. Nội dung của chương trình tập huấn tập trung nâng cao kiến thức cộng đồng về tầm quan trọng và thách thức trong sử dụng tài nguyên nước để canh tác nông nghiệp; Cách khai thác dữ liệu phục vụ sản xuất từ website chia sẻ tri thức Knowledge Hub[1]; Thực hành ủ phân hữu cơ từ phụ phế phẩm nông nghiệp và sản xuất chế phẩm sinh học từ vi sinh vật bản địa; Giải pháp phát triển mô hình canh tác lúa-tôm hướng hữu cơ. Kết thúc buổi tập huấn, người dân tham quan thực tế mô hình ủ phân hữu cơ từ rơm rạ, xơ dừa, rác thải hữu cơ và được hướng dẫn sản xuất chế phẩm IMO (Vi sinh vật bản địa) ứng dụng trong canh tác nông nghiệp. Trong ngày thứ hai của Chương trình tập huấn, khoảng 30 cán bộ địa phương và nông dân tiên tiến, điển hình trong sản xuất tại hai xã Trí Phải và Tân Lộc đã được tham quan thực tế các mô hình canh tác nông nghiệp hiệu quả theo hướng hữu cơ thích ứng biến đổi khí hậu tại huyện Châu Thành và TP. Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. Những kinh nghiệm trong canh tác nông nghiệp của người dân tỉnh Kiên Giang được chia sẻ cho các thành viên trong “Cộng đồng Quan trắc và Thích ứng” cũng như người dân đến từ huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau.
Một số hình ảnh tại buổi tập huấn
Tham quan thực tế và hướng dẫn sản xuất chế phẩm IMO ứng dụng trong canh tác nông nghiệp
Ảnh lưu niệm
Chương trình tập huấn là một trong chuỗi các hoạt động thuộc đề tài “Thích ứng Biến đổi khí hậu tại Cà Mau” do Viện DRAGON-Mekong thực hiện và được tài trợ bởi ADM tại Việt Nam. Đề tài đã xây dựng thành công hai cộng đồng “Quan trắc và Thích ứng” tại HTX Quyết thắng (xã Trí Phải) và HTX Tân Lộc Phát (xã Tân Lộc) huyện Thới Bình. Người dân tham gia mô hình được trang bị thiết bị đo nhanh chất lượng nước, chia sẻ dữ liệu quan trắc thông qua nhóm Zalo của cộng đồng và trang chia sẻ tri thức Knowledge Hub. Bên cạnh đó, đề tài đã kết nối được dữ liệu quan trắc tại 27 điểm đầu nguồn thuộc 08 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Cà Mau của Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, 20 điểm quan trắc do Cộng đồng thực hiện bao gồm 10 điểm tại xã Trí Phải và 10 điểm tại xã Tân Lộc, huyện Thới Bình vào trang thông tin Knowledge Hub.