Cuộc họp tham vấn về Vai trò tham gia của các bên liên quan và các hành động vì sự phát triển bền vững của khu vực hạ lưu sông Mekong

Ngày 6/12/2024, tại Trung tâm học liệu, Trường Đại học Cần Thơ, cuộc họp tham vấn về Vai trò tham gia của các bên liên quan và các hành động vì sự phát triển bền vững của khu vực hạ lưu sông Mekong đã chính thức diễn ra, thu hút hơn 400 đại biểu tham gia trực tiếp và trực tuyến thông qua nền tảng Zoom. Sự kiện do Viện DRAGON-Mekong, Đại sứ quán Anh và Hội đồng Anh tại Việt Nam tổ chức, với sự tham gia của các đại diện đến từ các Bộ, ngành, chuyên gia quốc tế, thanh niên và các tổ chức trong khu vực hạ lưu sông Mekong, bao gồm Campuchia, Lào, Thái Lan, và Vương quốc Anh, cùng với các cơ quan, công đoàn, mạng lưới tổ chức tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Toàn cảnh sự kiện

Với mục tiêu chính là tạo ra một không gian để các bên liên quan cùng nhau trao đổi, thảo luận và đưa ra các hướng đi cụ thể nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững tại khu vực hạ lưu sông Mekong, cuộc họp tập trung vào các thách thức và cơ hội đối với sự phát triển bền vững của khu vực này, với sự chú trọng đặc biệt đến vấn đề biến đổi khí hậu và các sáng kiến khôi phục và bảo vệ môi trường.

ThS. Phan Kỳ Trung, nhà sáng lập Y-CoRe, phát biểu tại chương trình

Cuộc họp được chia thành 2 phiên chính. Trong phiên sáng, các đại biểu đã tham gia các buổi thảo luận chuyên đề về các thách thức và cơ hội phát triển bền vững khu vực hạ lưu sông Mekong, tập trung vào việc xây dựng các chiến lược đối phó với biến đổi khí hậu. Các sáng kiến, dự án và mô hình điển hình từ cộng đồng thanh niên cũng đã được giới thiệu tại triển lãm sáng kiến. Các dự án này phần lớn do thanh niên thực hiện, liên quan đến các giải pháp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực biến đổi khí hậu nhằm góp phần bảo vệ và phát triển bền vững dòng sông Mekong.

Các sáng kiến thanh niên được trình bày

Tại phiên chiều, các đại biểu đã cùng tham gia các cuộc thảo luận chuyên sâu về 4 chủ đề chính, bao gồm: Sinh kế bền vững, an ninh nước, chuyển đổi năng lượng công bằng, bình đẳng giới trong thích ứng với biến đổi khí hậu. Sau các cuộc thảo luận nhóm, các ý kiến đóng góp và đề xuất hành động đã được tổng hợp và chia sẻ với toàn thể đại biểu, từ đó đưa ra những chiến lược hành động quan trọng cho mỗi chủ đề.

Các đại biểu tham gia thảo luận nhóm

Cuộc họp tham vấn đã kết thúc với nhiều ý kiến giá trị và các định hướng chiến lược hành động cụ thể cho từng chủ đề thảo luận. Các đại biểu đã nhất trí rằng, việc xây dựng các mô hình phát triển bền vững trong khu vực hạ lưu sông Mekong không chỉ cần sự tham gia của các cơ quan nhà nước mà còn đòi hỏi sự đóng góp mạnh mẽ từ cộng đồng, các tổ chức và đặc biệt là thanh niên. Các chiến lược hành động cũng nhấn mạnh tính cấp thiết trong việc tăng cường hợp tác quốc tế và tạo ra môi trường thuận lợi cho các sáng kiến đổi mới sáng tạo.

Ảnh lưu niệm

Cũng trong khuôn khổ chương trình, sáng ngày 7/12, các đại biểu bao gồm đại diện các chuyên gia, thanh niên đến từ Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan và Vương quốc Anh đã có chuyến thực địa theo dòng sông Cửu Long: ghé thăm chợ nổi Cái Răng để tìm hiểu về các hoạt động văn hóa trên sông độc đáo; tham quan Cồn Sơn để hiểu hơn về du lịch sinh thái cộng đồng và những hoạt động bảo tồn văn hoá và thiên nhiên dưới tác động của biến đổi khí hậu của người dân nơi đây.

Chuyến đi là hành trình khám phá thú vị, cũng là những tư liệu quan trọng về thực tế tại địa phương để quý đại biểu cùng xem xét, đánh giá. Đây là một phần quan trọng trong cơ sở đề xuất các khuyến nghị, hợp tác của các bên sau chương trình, nhằm thúc đẩy những giải pháp sáng tạo, thực tiễn vì sự phát triển bền vững của khu vực hạ lưu sông Mekong.

Một số hình ảnh trong chuyến đi thực tế: