CUỘC HỌP THAM VẤN VỀ KỸ NĂNG CHO THANH NIÊN VÌ MỘT TƯƠNG LAI BỀN VỮNG TẠI ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG - HỌP GIỮA KÌ ĐỀ TÀI CLIMATE SKILLS

Ngày 04/04/2025, tại Trung tâm Học liệu, Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT), Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu (DRAGON-Mekong), Trường ĐHCT phối hợp Hội đồng Anh tại Việt Nam  và Ngân hàng HSBC tổ chức Cuộc họp tham vấn giữa kì đề tài Climate Skills về chủ đề “Kỹ năng cho thanh niên vì một tương lai bền vững” trong khuôn khổ đề tài đề tài “Kỹ năng về khí hậu - Hạt giống cho Chuyển đổi Xanh” (gọi tắt là Climate Skills). Sự kiện quy tụ các đại biểu, mạng lưới thanh niên từ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và In-đô-nê-xi-a, các bên liên quan trong khu vực và nhóm hưởng lợi tiềm năng về các thách thức biến đổi khí hậu (BĐKH), bình đẳng giới và phát triển kỹ năng cho thanh niên

Tham dự sự kiện, về phía Trường ĐHCT có PGS.TS. Văn Phạm Đăng Trí – Viện trưởng Viện DRAGON-Mekong; ThS. Phan Kỳ Trung, Quản lý chương trình thanh niên Y-CoRe, Viện DRAGON-Mekong. Về phía Hội đồng Anh tại Việt Nam có Ông James Shipton – Giám đốc Quốc gia; Bà Hoàng Vân Anh – Giám đốc Chương trình Giáo dục; Bà Isobel Cecil – Giám đốc Chương trình Kỹ năng về Khí hậu Toàn cầu; Bà Nguyễn Hoàng Thanh Lê – Quản lý Dự án Kỹ năng về Khí hậu tại Việt Nam và Bà Ginanda Mahsa Kandiati, Quản lý Dự án Kỹ năng về Khí hậu tại Indonesia. Về phía Ngân hàng HSBC tại Việt Nam có Bà Bùi Mỹ Trang, Giám đốc Bộ phận Phát triển Bền vững; cùng đại diện lãnh đạo các trường đại học, tỉnh thành trong khu vực và hơn 100 các bạn thanh niên, chủ nhiệm các dự án.

Toàn cảnh chương trình

Phát biểu khai mạc, PGS.TS. Văn Phạm Đăng Trí cho biết thông qua liên kết với các đối tác doanh nghiệp, chính quyền địa phương và tổ chức quốc tế, nhiều chương trình đào tạo kỹ năng khí hậu và hành động môi trường đã được triển khai hiệu quả, đặc biệt chú trọng đến vai trò của thanh niên. Các mô hình hợp tác tiêu biểu đã được áp dụng tại Indonesia, Vương quốc Anh và nhiều địa phương như Cần Thơ, Kiên Giang, Sóc Trăng. Trong đó, các sáng kiến "gieo giống" do thanh niên khởi xướng đang cho thấy sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. PGS.TS. Văn Phạm Đăng Trí tin rằng việc trang bị kỹ năng và tạo điều kiện kết nối cho thế hệ trẻ được xem là yếu tố then chốt trong quá trình chuyển đổi hướng đến phát triển bền vững toàn vùng.

PGS.TS. Văn Phạm Đăng Trí phát biểu khai mạc chương trình

Tại chương trình, Ông James Shipton nhấn mạnh cam kết hỗ trợ thế hệ trẻ phát triển kỹ năng ứng phó với BĐKH thông qua các chương trình về giáo dục, văn hóa và ngôn ngữ. Ông cho biết trong thời gian qua, sự phối hợp chặt chẽ với Viện DRAGON-Mekong đã mang lại nhiều kết quả tích cực thông qua các dự án truyền thông, nâng cao năng lực và hoạt động văn hóa, góp phần trao quyền cho thanh niên hướng tới một tương lai bền vững. Ông tin rằng trong thời gian tới, nhiều hoạt động mới sẽ tiếp tục được triển khai, mở rộng không gian hợp tác và đổi mới sáng tạo vì mục tiêu chung về phát triển bền vững.

Ông James Shipton phát biểu tại chương trình

Phát biểu tại chương trình, Bà Bùi Mỹ Trang nhấn mạnh BĐKH là thách thức lớn của thế kỷ XXI, đặc biệt ảnh hưởng nặng nề đến khu vực châu Á. Bà khẳng định ứng phó khí hậu là trách nhiệm chung và nhấn mạnh vai trò của công việc xanh (Green Jobs) trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế phát thải ròng bằng 0. Bà đánh giá cao dự án Climate Skill vì đã góp phần cung cấp kiến thức, kỹ năng khí hậu cho giới trẻ, và bày tỏ kỳ vọng vào những hợp tác bền vững trong tương lai.

Bà Bùi Mỹ Trang phát biểu tại chương trình

Tại phiên trình bày về đào tạo thanh niên và giáo dục khí hậu, Bà Isobel Cecil nhấn mạnh BĐKH là thách thức không thể tránh khỏi, đòi hỏi con người phải thích ứng linh hoạt và hành động kịp thời. Ngay tại Vương quốc Anh, bà cũng cảm nhận rõ sự thay đổi khí hậu, cho thấy tính toàn cầu của vấn đề. Bà đề xuất xây dựng các chương trình đào tạo bền vững, đặc biệt là mô hình “huấn luyện người huấn luyện”, để lan tỏa kỹ năng thực tiễn. Bà khẳng định BĐKH không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội kết nối cộng đồng toàn cầu hướng đến giải pháp chung. Đánh giá cao sự năng động, linh hoạt và sáng tạo của giới trẻ, bà nhấn mạnh vai trò của thanh niên trong quá trình chuyển đổi xanh, đồng thời khẳng định cam kết của Hội đồng Anh trong việc hỗ trợ xây dựng mạng lưới phát triển kỹ năng khí hậu cho thanh niên trên toàn thế giới.

Bà Isobel Cecil phát biểu tại chương trình

Đại diện Indonesia cho biết các hoạt động ứng phó biến đổi khí hậu đã được triển khai từ tháng 4/2024, tập trung vào nâng cao nhận thức và hành động thực tiễn liên quan đến rác thải và ô nhiễm môi trường. Với hơn 50% dân số là thanh niên, Indonesia xác định việc xây dựng năng lực cho giới trẻ là chìa khóa cho phát triển bền vững. Thông qua thảo luận nhóm (FGD) và đánh giá nhu cầu đào tạo (TNA), các chương trình khí hậu được thiết kế phù hợp với từng khu vực, chú trọng sự đa dạng, tư duy phản biện và chiến lược hành động. Đặc biệt, chương trình hướng đến sự hòa nhập toàn diện, bao gồm cả người khuyết tật, với 88 người tham gia từ nhiều nhóm dễ bị tổn thương. Ngoài đào tạo, thanh niên còn tham gia xây dựng 10 bảng kiến nghị gửi chính quyền, trong đó 6 bảng đã được chọn để triển khai thí điểm. Indonesia kỳ vọng mô hình này có thể nhân rộng ra khu vực, khẳng định vai trò quan trọng của giới trẻ trong thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đại diện từ Indonesia trình bày cách tiếp cận tại Indonesia và các thành tựu đã đạt được

Bà Nguyễn Hoàng Thanh Lê và ThS. Phan Kỳ Trung, Đại diện từ Việt Nam cho biết trong giai đoạn 2 của dự án Climate Skills, mô hình triển khai được nâng cấp từ kinh nghiệm giai đoạn 1, tập trung vào nâng cao năng lực và cung cấp tài liệu đào tạo về biến đổi khí hậu và kỹ năng thế kỷ 21. Dựa trên Bộ công cụ Kỹ năng khí hậu của Hội đồng Anh, các chuyên gia từ Vương quốc Anh đã thiết kế nội dung gồm 8 nhóm kỹ năng, được điều chỉnh phù hợp từng địa phương. Người học trải qua 4 học phần, hướng đến khả năng triển khai thực tiễn tại cộng đồng. Ba hoạt động chính gồm: tập huấn điều phối viên, hỗ trợ thanh niên xây dựng đề xuất hành động, và phát triển nội dung lan tỏa. Rút kinh nghiệm từ giai đoạn trước, dự án tổ chức “Ngày hội kỹ năng khí hậu” nhằm giới thiệu triết lý và mục tiêu dự án trước tập huấn nòng cốt, giúp người học chủ động tham gia và giảm thiểu rủi ro trong quá trình lan tỏa. Dự án cũng chú trọng lồng ghép yếu tố giới và tri thức bản địa vào nội dung đào tạo. Tháng 7/2024, Cộng đồng thực hành dành cho tập huấn viên được thành lập, hiện đang tổ chức chuỗi 6 buổi sinh hoạt chuyên đề nhằm chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm ứng dụng kỹ năng khí hậu trong cộng đồng.

Bà Nguyễn Hoàng Thanh Lê và ThS. Phan Kỳ Trung, Đại diện từ Việt Nam trình bày cách tiếp cận tại Việt Nam và các thành tựu đã đạt được

Trong phần trình bày về Kỹ năng cho thanh niên hướng tới tương lai bền vững - Tương lai cho người trẻ – Cơ hội mới trong lĩnh vực khí hậu, số hóa và khởi nghiệp, Bà Isobel Cecil nhấn mạnh vai trò của chương trình Climate Skills như một phần trong sáng kiến toàn cầu hướng tới mục tiêu Net Zero. Bà cho rằng BĐKH hiện nay không chỉ là vấn đề môi trường mà còn là thách thức về kỹ năng, đặc biệt là kỹ năng mềm – yếu tố then chốt giúp giới trẻ chủ động hành động và thích ứng. Hội đồng Anh đang tích cực xây dựng mạng lưới và công cụ nhằm mở rộng mô hình từ cấp quốc gia ra toàn cầu, kết nối thanh niên trên khắp thế giới. Bà cho biết chương trình tập trung vào nhóm tuổi 18–30, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của việc thu hút đa dạng đối tượng tham gia, bao gồm thanh niên vùng nông thôn, dân tộc thiểu số và lồng ghép yếu tố giới, nhằm đảm bảo tính toàn diện và hiệu quả cho mọi thành phần trong xã hội.

Cũng tại chương trình, TS. Nguyễn Hoàng Nam, Chuyên gia tư vấn chính sách - Bộ Nông nghiệp và Môi trường nhấn mạnh chuyển dịch xanh không chỉ là tiến trình môi trường mà còn cần đảm bảo công bằng xã hội, theo định nghĩa của UNESCO. Ông chia sẻ rằng quá trình này đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, từ năng lượng, giao thông đến giáo dục, với các ví dụ như ngành năng lượng mặt trời tại Mỹ đã vượt ngành than về số lao động, hay Singapore đẩy mạnh năng lượng tái tạo. TS. Nam lưu ý việc làm xanh đang có thu nhập cao hơn và dự báo sẽ tạo ra hàng chục triệu cơ hội tại Đông Nam Á, song cũng đi kèm cạnh tranh gay gắt, đặc biệt với sự phát triển của AI. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của kỹ năng xanh – gồm kỹ năng chuyên môn như hiểu chính sách, sử dụng công nghệ và kỹ năng mềm như tiếng Anh, kết nối, làm việc nhóm – và khuyến khích sự hợp tác đa ngành để tận dụng cơ hội chuyển dịch xanh.

TS. Nguyễn Hoàng Nam trình bày tại sự kiện

Tại chương trình, Bà Ginanda Mahsa Kandiati chia sẻ rằng thanh niên hiện đang đối mặt với thách thức lớn từ biến đổi khí hậu, chuyển đổi số và cơ hội nghề nghiệp. Nghiên cứu tại Indonesia, Vương quốc Anh và Việt Nam cho thấy thanh niên đều lo lắng về tương lai việc làm trong bối cảnh biến động nhanh chóng. Tại Việt Nam, giới trẻ thể hiện khả năng ứng dụng kỹ thuật số mạnh mẽ, nhưng vẫn gặp khó khăn trong tiếp cận công nghệ và thiếu kỹ năng thực tiễn. Đáng chú ý, 29% muốn khởi nghiệp và 57% có ý tưởng nhưng lo ngại rủi ro, tài chính và thiếu hỗ trợ giáo dục. Bà nhấn mạnh nhu cầu đào tạo thực tiễn giúp giới trẻ sẵn sàng bước vào nền kinh tế xanh và số hóa, đồng thời khẳng định cam kết của Hội đồng Anh trong việc hỗ trợ thanh niên Việt Nam và toàn cầu.

Bà Ginanda Mahsa Kandiati trình bày tại sự kiện

Trong phiên buổi sáng, các đại biểu tham dự nhấn mạnh vai trò của kỹ năng kết nối, kỹ năng xanh và tinh thần chủ động của giới trẻ trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Chương trình Climate Skills được đánh giá đã hỗ trợ thanh niên vượt qua rào cản về kỹ năng, tài chính và kết nối, tạo nền tảng để phát triển cá nhân gắn với chuyển đổi số và chuyển dịch xanh. Các đại biểu cũng kêu gọi tiếp tục nâng cao năng lực làm việc nhóm, thúc đẩy hợp tác liên ngành và nuôi dưỡng khát vọng đóng góp vì một tương lai bền vững.

Các nhóm dự án thuộc đề tài Climate Skills nhận chứng chỉ thực hiện dự án tại địa phương

Tại phiên thảo luận nhóm trong khuôn khổ chương trình, các đại biểu tham gia đã mang đến những góc nhìn đa chiều về giáo dục khí hậu, vai trò của thanh niên trong hành động xã hội và bình đẳng giới trong lĩnh vực khí hậu. 

Nhóm 1 đã cùng phân tích bộ công cụ “Kỹ năng về Khí hậu” thông qua hình ảnh ẩn dụ “mũ nông dân” và “mũ kỹ sư”. Các đại biểu cho rằng việc tiếp cận các kỹ năng khí hậu cần sự kết hợp giữa quan sát thực tế và tư duy giải pháp, nhấn mạnh vai trò song hành giữa cảm nhận từ cộng đồng và áp dụng kỹ thuật để giải quyết vấn đề. Đại diện từ Indonesia cũng đưa ra cái nhìn hệ thống về biến đổi khí hậu thông qua lăng kính lịch sử và công nghiệp hóa. Nhóm đề xuất mở rộng địa bàn triển khai dự án, lồng ghép giáo dục khí hậu vào chương trình chính khóa và sử dụng mạng xã hội như một công cụ truyền cảm hứng hiệu quả.

Đại diện nhóm 1 trình bày về chủ đề “Các nhà giáo dục dự án thảo luận về kỹ thuật hỗ trợ – thách thức và thành công.”

Nhóm 2 do các bạn thanh niên khởi xướng đã mang đến không khí sôi nổi với nhiều dự án thực tiễn như mô hình vườn sinh thái, sáng kiến bảo tồn văn hóa nghề muối, xử lý nước thải và hỗ trợ sinh kế vùng cao. Thông qua chia sẻ cá nhân, các bạn trẻ thể hiện tinh thần chủ động học hỏi và vượt qua rào cản như khác biệt chuyên ngành, thiếu kinh nghiệm hay định kiến xã hội. Đại diện từ Indonesia truyền cảm hứng với câu chuyện “làm nông vì đam mê”, khẳng định nông nghiệp bền vững là hướng đi xanh cho tương lai. Nhóm nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tạo hệ sinh thái khởi nghiệp xã hội và kêu gọi kết nối thanh niên để lan tỏa hành động tích cực.

Đại diện nhóm 2 trình bày về chủ đề “Thanh niên thảo luận về việc áp dụng kỹ năng vào các hoạt động xã hội.”

Trong khi đó, nhóm 3 tập trung thảo luận về vấn đề bình đẳng giới trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Thông qua hoạt động phân biệt giữa đặc điểm sinh học và xã hội, nhóm chỉ ra rằng phần lớn rào cản đến từ định kiến thay vì khác biệt tự nhiên. Các đề xuất như nâng cao nhận thức, tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia giáo dục số, chia sẻ công việc trong gia đình được đưa ra như giải pháp thiết thực. Đại diện từ Indonesia giới thiệu mô hình Masjid Berkah và phong trào Pekka – nơi phụ nữ là trung tâm của các hoạt động cộng đồng, giảm rác thải và thúc đẩy quyền kinh tế. Nhóm kết luận rằng việc hiểu và chấp nhận bản thân là bước khởi đầu cho mọi hành động vì công bằng giới và phát triển bền vững.

Đại diện nhóm 3 trình bày về chủ đề “Bình đẳng giới trong lĩnh vực khí hậu và hành động của thanh niên.”

Một số hình ảnh của phiên thảo luận nhóm

Tổng kết phiên thảo luận, các nhóm đều thống nhất rằng giáo dục khí hậu cần được lồng ghép trong hệ thống chính quy và đi kèm với các hoạt động thực tiễn tại cộng đồng. Thanh niên – dù ở bất kỳ lĩnh vực nào – đều có thể đóng góp nếu được trang bị kỹ năng và cơ hội phù hợp. Đồng thời, việc xóa bỏ định kiến giới và thúc đẩy sự tham gia bình đẳng sẽ là nền tảng để xây dựng một xã hội bền vững và công bằng trong thời đại chuyển dịch xanh.

Đại biểu tham gia chụp ảnh lưu niệm

Trong khuôn khổ cuộc họp tham vấn “Kỹ năng cho thanh niên vì một tương lai bền vững”, các đại biểu thanh niên đã tham gia hai chuyến thực địa tại Kiên Giang và Cần Thơ, tìm hiểu mô hình sản xuất thuận thiên và văn hoá địa phương. Tại Công ty Thảo Điền Phú Mỹ (Kiên Giang), thanh niên được chứng kiến quy trình làm thủ công mỹ nghệ từ nguyên liệu tự nhiên, góp phần tạo sinh kế bền vững. Trong khi đó, tại Công ty ABAVIANA (Cần Thơ), các bạn khám phá mô hình nông nghiệp hữu cơ, sản xuất phân bón từ phụ phẩm và vườn cây thích ứng với biến đổi khí hậu. Chuyến đi mang đến nhiều bài học thực tiễn, góp phần truyền cảm hứng hành động vì phát triển xanh và bền vững.

Một số hình ảnh chuyến thực địa