Chương trình tập huấn Tailor-Made Training (TMT) trực tuyến đợt 1 trong dự án “CHUYỂN ĐỔI TRONG HỆ THỐNG THỰC PHẨM : ĐÁNH GIÁ CÁC TÁC ĐỘNG TÀI CHÍNH, SINH THÁI VÀ XÃ HỘI CỦA CÁC MÔ HÌNH NUÔI TÔM KHÁC NHAU VÀ CHUẨN BỊ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN BỀN VỮNG HƯỚNG TỚI CHỐNG CHỊU, HỘI NHẬP & CÔNG BẰNG TẠI TỈNH CÀ MAU”

Đây là chương trình tập huấn nằm trong khuôn khổ của dự án Orange Knowledge Program (OKP), được Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu (DRAGON-Mekong) – Trường Đại học Cần Thơ phối hợp tổ chức cùng với Công ty Q-Point B.V., Khoa Khoa học Địa lý thông tin và Quan sát Trái đất - Đại học Twente (ITC). Giai đoạn 1 của dự án được tổ chức trực tuyến từ ngày 26 đến ngày 29 tháng 02 năm 2024 với mục tiêu chính là giới thiệu các mô hình nuôi trồng thủy sản tại ĐBSCL và phân tích lợi ích kinh tế, sinh thái và xã hội cho từng mô hình. Mở đầu chương trình tập huấn, PGS. TS. Văn Phạm Đăng Trí – Viện trưởng Viện DRAGON-Mekong đại diện phát biểu khai mạc và mong muốn nhận được sự quan tâm, tích cực chia sẻ và thảo luận từ người tham gia nhằm mục tiêu đóng góp vào lĩnh vực quản lý bền vững hệ thống rừng ven biển và hệ thống nuôi trồng thủy sản tại ĐBSCL nói riêng cũng như tại Việt Nam nói chung.


Hình 1: PGS.TS Văn Phạm Đăng Trí phát biểu khai mạc.

Th.S Nguyễn Luyến Phương Đoan – điều phối dự án phía Việt Nam giới thiệu về dự án (Hình 2): Dự án chia làm 03 giai đoạn chính: (1) Tập huấn trực tuyến, (2) Tập huấn trực tiếp tại Viện DRAGON-Mekong  kết hợp công tác thực địa tại Cà Mau và Sóc Trăng, (3) Báo cáo kết quả đánh giá các mô hình nuôi tôm tại ĐBSCL (trong tập huấn đợt 2) và tổ chức cuộc họp giữa các bên liên quan đến hệ thống nuôi trồng thủy sản tại Cà Mau và Sóc Trăng. Mục tiêu chính của chương trình tập huấn là hướng tới tính bền vững trong chuỗi thực phẩm tại ĐBSCL, và đưa ra các ví dụ điển hình của từng mô hình nuôi tôm và thủy sản khác để đánh giá các khía cạnh về kinh tế, xã hội, cũng như môi trường. Ngoài ra, các biện pháp nuôi ghép tôm ở ĐBSCL đánh giá được ồi rừng ngập mặn (trong và ngoài khu vực ao nuôi), và nuôi tôm trong hệ thống nuôi trồng thủy sản tuần hoàn (RAS) được đánh giá cụ thể thông qua các ví dụ điển hình.


Hình 2: Th.S Nguyễn Luyến Phương Đoan giới thiệu về chương trình tập huấn TMT.

Tham gia chia sẻ tại tập huấn đợt 1, các chuyên gia đến từ Hà Lan và Bỉ (Hình 3), bao gồm: Bà Karin - Chuyên gia Sustainable Aquaculture Solutions (SAS) tại Hà Lan, Bà Nancy - Chuyên gia Shell&Valves tại Bỉ, Bà Olivia: Chuyên gia Q-Point B.V. tại Hà Lan, và Ông Roel - Chuyên gia độc lập tại Hà Lan.


Hình 3: Các chuyên gia Hà Lan giới thiệu về vai trò đảm nhiệm trong dự án.

Đối tượng tham gia buổi tập huấn chủ yếu là các giảng viên và nghiên cứu viên đến từ các Trường Đại học tại TP.HCM (ĐH Tài nguyên Môi trường TP.HCM và ĐH Văn Lang) và khu vực ĐBSCL (Trường ĐH Bạc Liêu và Trường ĐH Cần Thơ). Sau mỗi buổi tập huấn, người tham gia có cơ hội thảo luận nhóm và trình bày kết quả cho từng mô hình nuôi tôm.

                        

Hình 4: Giảng viên và nghiên cứu viên giới thiệu về bản thân và đơn vị của mình.

Nội dung khóa tập huấn xoay quanh các vấn đề về các hệ thống nuôi trồng thủy sản kết hợp tại ĐBSCL như tôm - rừng hay lúa - tôm, mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, và đánh giá tính bền vững của các mô hình. Ngoài ra, các chuyên gia Hà Lan và Bỉ còn đưa ra rất nhiều mô hình nuôi tôm kết hợp và ứng dụng công nghệ cao tại Hà Lan. Bên cạnh đó, các giải pháp thuận tự nhiên đang được áp dụng tại ĐBSCL cũng được giới thiệu trong chương trình tập huấn. Người tham dự tập huấn sẽ căn cứ vào các mô hình được đề cập và đề xuất lựa chọn hai mô hình nuôi tôm điển hình: (1) Mô hình nuôi tôm dưới tán rừng ngập mặn, và (2) Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh. Đối với mỗi mô hình, các yếu tố ngoại biên (khí hậu, đa dạng sinh học, phát sinh khí thải, ô nhiễm môi trường nước,…), cơ hội, thách thức và giải pháp cho từng mô hình nên được đánh giá chi tiết. Theo TS. Bosma - Chuyên gia độc lập tại Hà Lan, tổ chức Nedworc (Hình 5) chia sẻ: Bên cạnh đánh giá yếu tố ngoại biên của từng mô hình, thì việc đánh giá những thuận lợi từ kinh tế - xã hội cũng rất quan trọng. Ví dụ, đối với mô hình nuôi tôm dưới tán rừng ngập mặn, dịch vụ hệ sinh thái rừng ngập mặn cần được tính toán cặn kẽ để sản lượng tôm trong ao nuôi đạt được giá trị kinh tế cao nhất, và các yếu tố về xói lở bờ của ao nuôi ảnh hưởng đến cộng đồng như thế nào.


Hình 5: TS. Roel H. Bosma chia sẻ những thuận lợi về mặt kinh tế - xã hội trong việc cải thiện rừng ngập mặn và chất lượng nuôi trồng thủy sản.

Thông qua thảo luận nhóm, người tham gia khóa tập huấn có cơ hội hiểu sâu hơn về từng mô hình nuôi tôm khi những mô hình này được đánh giá toàn diện từ chia sẻ của các chuyên gia Hà Lan và Bỉ. Tại đây, kinh nghiệm nuôi trồng thủy sản giữa hai quốc gia Hà Lan và Việt Nam được thảo luận rất chuyên sâu trong buổi thảo luận chung giữa các nhóm. TS. Thái Phương Vũ và ThS. Lê Thị Ngọc Diễm – Giảng viên ĐH Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đã đưa ra nhiều chia sẻ trực tiếp về cách đánh giá chi phí về lợi ích và tài chính cho từng mô hình nuôi trồng thủy sản tại ĐBSCL (Hình 6).  Ngoài ra, rất nhiều câu hỏi liên quan đến sinh thái, kinh tế, xã hội trong từng mô hình nuôi tôm được đưa ra thảo luận bởi các giảng viên của ĐH Văn Lang và Trường ĐH Cần Thơ cùng chuyên gia trong chương trình tập huấn.

Hình 6: Th.S Lê Thị Ngọc Diễm – Giảng viên ĐH Tài nguyên và Môi trường TP.HCM thảo luận về khía cạnh môi trường trong các hệ thống nuôi trồng thủy sản tại ĐBSCL.