Hưởng ứng Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) diễn ra tại Glasgow, Vương quốc Anh, Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu (Viện DRAGON-Mekong) - Trường Đại học Cần Thơ phối hợp với tổ chức Arcadis (Hà Lan) dưới sự tài trợ của Netherlands Enterprise Agency đã tổ chức hội thảo trực tuyến về “Quản trị về sụt lún đất và quản lý nước dưới đất tại đồng bằng sông Cửu Long- khu vực An Giang, Đồng Tháp, Long An và Tiền Giang" diễn ra vào sáng 24/11/2021.

Hội thảo trực tuyến về “Quản trị về sụt lún đất và quản lý nước dưới đất tại đồng bằng sông Cửu Long – khu vực tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An và Tiền Giang”.

Tham dự hội thảo có các đại diện của Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh/thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công thương, Sở Xây dựng, Công ty Cấp nước, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân của tỉnh/thành phố An Giang, Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang và cùng với các nhà khoa học trong các lĩnh vực kỹ thuật, quản lý tài nguyên nước, địa chất và các lĩnh vực khác có liên quan đến quản trị và phát triển bền vững nguồn tài nguyên nước tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

PGS. TS Văn Phạm Đăng Trí - Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu phát biểu khai mạc hội thảo

TS. Đặng Kiều Nhân - Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL, Trường Đại học Cần Thơ chia sẻ về “Quản trị và vấn đề xã hội trong khai thác nước dưới đất và sụt lún đất”.

TS.Nguyễn Đình Giang Nam - Trưởng Bộ môn Tài nguyên nước, Khoa Môi trường và Tài nguyên Thiên nhiên, Trường Đại học Cần Thơ chia sẻ về “Các vấn đề kỹ thuật và quản lý nguồn tài nguyên nước dưới đất”.

TS. Đinh Diệp Anh Tuấn – Chánh văn phòng, Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu chia sẻ về “Kế hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu liên quan đến hạ tầng cấp nước đô thị ven biển”.

Tại phiên thảo luận, đại diện của các đơn vị đã chia sẻ các vấn đề liên quan đến nguồn tài nguyên nước dưới đất và sụt lún của từng địa phương và ĐBSCL cũng như đề xuất một số giải pháp cho các vấn đề liên quan hướng đến việc sử dụng bền vững tài nguyên nước dưới đất.

Các đại biểu tham gia hội thảo trình bày và trao đổi ý kiến trong phiên thảo luận

PGS. TS Văn Phạm Đăng Trí chia sẻ các nền tảng trực tuyến để kết nối địa phương và chuyên gia trong quản trị tài nguyên nước và sụt lún tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Thông qua kết quả của hội thảo, một số khuyến nghị chính sách có thể được xác định, bao gồm:

Chính sách:

  • Cho đến nay, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 167/2018 cùng với các văn bản pháp luật khác nhằm hạn chế khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên nước dưới đất. Tuy nhiên, ở những khu vực ven biển có giới hạn nguồn nước mặt vẫn chưa có những giải pháp cụ thể, họ vẫn sử dụng tài nguyên nước dưới đất là nguồn cấp nước chính cho các hoạt động. Để giải quyết vấn đề này, cần có sự phối hợp của nhiều bên và đưa ra giải quyết ở quy mô cấp vùng ĐBSCL.
  • Tăng cường khai thác nước mặt như một nguồn thay thế để giảm áp lực tài nguyên nước dưới đất. Các biện pháp hạn chế khai thác nước dưới đất cần được thực hiện theo quy hoạch với lộ trình cụ thể đã được phê duyệt. Thêm vào đó, cần hạn chế hoặc không cấp phép khai thác nước dưới đất tại các khu vực có nguồn nước mặt dồi dào như khu vực ven sông Tiền, sông Hậu; các khu vực có hệ thống kênh cấp 1, 2, có mặt cắt sông trên 100m và có chất lượng nước mặt đủ điều kiện cấp nước cho các đối tượng sử dụng nước như sinh hoạt, nông nghiệp và công nghiệp.
  • Khuyến khích, mở rộng phạm vi nghiên cứu về việc bổ cập nguồn tài nguyên nước dưới đất và thúc đẩy phát triển/ứng dụng các kỹ thuật này ra thực tế. 
  • Khuyến nghị bổ sung vần đế “sụt lún đất” vào các văn bản chính sách pháp luật và cần quy định cụ thể cơ quan/đơn vị chịu trách nhiệm quản lí vấn đề này.

Kỹ thuật:

  • Xem xét các kỹ thuật bổ cập nước dưới đất, yếu tố chất lượng nguồn nước bổ cập cũng cần được quan tâm. 
  • Đề xuất xây dựng các khu khai thác nước dưới đất tập trung công suất lớn nhằm phát huy hiệu quả sử dụng tài nguyên và thuận  cung cấp nước có hiệu quả và định thuế sử dụng nước dưới đất.
  • Xem xét xây dựng một số hồ chứa nước ngọt tại các vùng ngập lũ tự nhiên (Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười) cũng như tận dụng hệ thống các sông tự nhiên không còn phục vụ cho mục tiêu giao thông thủy nhằm đảm bảo nguồn cung nước mặt, giảm thiểu nhu cầu khai thác nước dưới đất.
  • Đề xuất xây dựng các hệ thống quan trắc sụt lún ở các tầng không ngậm nước và ở tầng đá gốc, kết hợp với dữ liệu viễn thám để tính toán mức độ sụt lún hiệu quả hơn, từ đó sẽ có các chính sách cụ thể và hiệu quả hơn cho từng khu vực.

Chia sẻ thông tin:

  • Xây dựng nền tảng dữ liệu trực tuyến để các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách cũng như lãnh đạo các địa phương có thể chia sẻ thông tin hiệu quả, đảm bảo thông tin được cập nhật kịp thời và chính xác.
  • (Tin và Ảnh: Viện DRAGON-Mekong)