Dự án CLUES (tên viết tắt bằng tiếng Anh của dự án ‘Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến sử dụng đất ở ĐBSCL: Sự thích ứng của các hệ thống canh tác trên nền lúa’- ), do ACIAR (Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Australia) tài trợ thực hiện trong giai đoạn 4 năm từ tháng 3 năm 2011 đến tháng 6 năm 2015. 

Giới thiệu

Dự án CLUES (tên viết tắt bằng tiếng Anh của dự án ‘Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến sử dụng đất ở ĐBSCL: Sự thích ứng của các hệ thống canh tác trên nền lúa’- ), do ACIAR (Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Australia) tài trợ thực hiện trong giai đoạn 4 năm từ tháng 3 năm 2011 đến tháng 6 năm 2015.

Mục tiêu của dự án là nhằm tăng cường khả năng thích ứng của các hệ thống sản xuất lúa ở vùng đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) trong bối cảnh biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng, hỗ trợ kỹ thuật và cung cấp kiến thức canh tác mới cho nông dân, cung cấp thông tin phục vụ cho công tác quản lý và hoạch định chính sách nông nghiệp của các cơ quan ban, ngành địa phương, hướng đến đảm bảo sản xuất nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực ở ĐBSCL.

Dự án CLUES chia thành nhiều hợp phần, được triển khai thực hiện cụ thể để đánh giá sự tổn thương và các tác động theo vùng ở ĐBSCL trước BĐKH; cải thiện khả năng chịu mặn và ngập nước; khả năng phục hồi các giống lúa triển vọng thích nghi tại địa phương; đánh giá và xây dựng chiến lược tổng thể sử dụng đất thích ứng với BĐKH…

Dự án đã xem xét lại hầu hết các nghiên cứu gần đây về BĐKH, nước biển dâng ở khu vực ĐBSCL, cũng như xem xét tác động của BĐKH và thay đổi dòng chảy thượng nguồn trong tương lai, sự BĐKH làm tăng độ ngập và kéo dài thời gian ngập… Từ thực trạng trên, dự án và các nhà khoa học tìm các dòng lúa chịu mặn, chịu ngập, chịu phèn, chịu hạn…thích ứng với BĐKH khắc nghiệt trong tương lai. Hiện tại, một số giống lúa đã được dự án phóng thích tại nhiều địa phương để trồng thử nghiệm.

Sau 4 năm hoạt động, Dự án đã đạt được nhiều kết quả nghiên cứu quan trọng thông qua việc triển khai 6 hợp phần nghiên cứu:

  1. Đánh giá sự tổn thương và các tác động theo vùng;
  2. Cải thiện khả năng chịu ngập và chịu mặn của các giống lúa địa phương và các dòng cao sản;
  3. Quản lý tổng hợp nguồn tài nguyên và cây trồng thích ứng với sự thay đổi nhanh của môi trường;
  4. Phân tích hệ thống canh tác và các điều kiện kinh tế - xã hội tại các nông hộ sản xuất lúa;
  5. Đánh giá biện pháp thích ứng tích hợp ở Bạc Liêu và phát triển kế hoạch thích ứng tổng thể;
  6. Xây dựng nguồn nhân lực đánh giá phát khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Kết quả dự án

-         Chồng lắp bản đồ sử dụng đất năm 2008 với các bản đồ được tạo ra trong 12 kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng để tìm ra các khu vực nguy hiểm (hot-spot) dưới tác động của lũ và xâm nhập mặn tại các vùng nghiên cứu của dự án CLUES: ngập lũ nhiều (An Giang), ngập trung bình trên đất phù sa (Cần Thơ), vùng ngập trung bình và phèn nặng (Hậu Giang) và vùng ngập cục bộ và mặn (Bạc Liêu). Nhóm nghiên cứu giống đã phát triển các giống lúa năng suất cao trong điều kiện ngập, úng và mặn bằng phương pháp lai ngược (backcross) cũng như lai truyền thống.

-  Nhiều khóa tập huấn cho cán bộ địa phương và nông dân được thực hiện trong năm 2013 (tổng cộng 318 nông dân ở 4 tỉnh). Có 3 giống đã được gửi xác nhận trong năm 2014 bao gồm OM3673 (ngắn ngày, chịu được ngập trong giai đoạn mạ), OM10252 (chịu ngập và mặn), và OM6328 (chịu mặn và năng suất cao). Từ kết quả các thí nghiệm, CLUES cho thấy kỹ thuật tưới khô ướt xen kẽ (AWD) có nhiều triển vọng trong chiến lược thích ứng với biến đổi khí hậu để làm giảm phát thải khí metan từ đồng ruộng. Phát thải khí metan có thể giảm tới 50% khi áp dụng AWD. Các thí nghiệm ban đầu cho thấy giống lúa ngắn ngày-năng suất cao và chống chịu mặn (OM4900, OM10252, OM6976, OM6677, và OM2517) có thể thay thế được giống lúa Một Bụi Đỏ trong mô hình lúa-tôm ở Bạc Liêu. Thu hoạch sớm hơn có thể tránh xâm nhập mặn cuối vụ và có nhiều thời gian để chuẩn bị cho vụ tôm tiếp theo.

-  Cây màu ngắn ngày và giá trị cao cũng là một chọn lựa đa dạng hóa, có thể thay thế cho lúa vụ Hè Thu trong cơ cấu lúa. Cây màu ngắn ngày giúp tăng thu nhập cho nông dân và tránh được xâm nhập mặn trong mùa khô. Thêm vào đó, bón phân lân giảm so với hiện tại của nông dân đã được CLUES thử nghiệm tại các vùng nghiên cứu có thể giảm chi phí đầu vào của nông dân.

-  Các giống lúa chống chịu và kỹ thuật canh tác triển vọng đã được CLUES thử nghiệm và đánh giá với sự tham gia của nông dân và cán bộ khuyến nông địa phương. Việc nhân rộng các kỹ thuật triển vọng này trong và ngoài tỉnh cần sự theo dõi và tham gia hiệu quả của các đơn vị địa phương chủ chốt, cộng đồng địa phương, kết hợp với các chương trình phát triển đang thực hiện ở địa phương.

-  Một mô hình mới trong quy hoạch sử dụng đất bằng cách tiếp cận đa mục tiêu (MGLP) đã được phát triển và áp dụng cho Bạc Liêu, một tỉnh ven biển. Mô hình tích hợp nhiều yếu tố đất, thủy văn và sử dụng đất, năng suất và tài chính trong điều kiện tỉnh Bạc Liêu. Mô hình sẽ giúp lập chiến lược thích ứng cho vùng nghiên cứu trong điều kiện biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng. Một trong yếu tố thành công là có sự tham gia của địa phương và nhà nghiên cứu. Dự án tiên phong trong việc đo khí thải gây hiệu ứng nhà kính (GHG), bao gồm các khóa huấn luyện cán bộ địa phương thực hiện các thí nghiệm đo GHG ngoài đồng hay trong phòng thí nghiệm và phân tích số liệu. Bốn khóa huấn luyện về đo đạc GHG cho nhân viên CLRRI, cán bộ và sinh viên ĐH Cần Thơ đã thực hiện, đầu tiên tại ĐH Huế tháng 6 năm 2011, và các lần sau tại CLRRI cuối 2011 đến giữa 2012. Nhiều đợt lấy mẫu đo GHG cho các thí nghiệm tại CLRRI và 4 điểm thí nghiệm của dự án đã được thực hiện để làm số liệu nền GHG của sản xuất lúa tại ĐBSCL.

-       Dự án đã thiết lập được mối liên hệ chắc chắn giữa các cơ quan nghiên cứu của Australia và Việt Nam . Mối liên kết này sẽ kéo dài sau dự án. Các nghiên cứu khác nhau trong dự án cũng tạo ra một sự hợp tác hữu hiệu giữa các cơ quan trong nước như CLRRI, IAS, SIWRP và CTU. Trong quá trình thảo luận tại hội thảo cuối, có thể thấy dự án đã tăng cường mối quan hệ giữa các viện trường, cũng như là giữa các khoa của CTU.

-      Trong quá trình dự án, 4 thành viên của CLUES đã tham gia học Tiến sĩ, 18 khóa luận Thạc sĩ tại CTU đã được tài trợ và hướng dẫn bởi các nhà khoa học trong dự án CLUES. Dự án đã chủ động chuyển tải thông tin tới cộng đồng khoa học thông qua các xuất bản nghiên cứu của dự án. Đến nay có 7 bài báo được đăng trên các tạp chí quốc tế có thẩm định và 22 bài báo đăng trên tạp chí tiếng Việt. Năm bài báo khác đang chuẩn bị để đăng trên tạp chí có thẩm định. Thêm vào đó, 10 bài báo khoa học được đăng ở hội nghị quốc tế, 2 bài báo tại hội nghị quốc gia và 7 báo tường tại các hội thảo quốc tế. Mười tờ rơi đã hoàn thành và phân phát trong hội thảo giữa kỳ của dự án.

-       Dự án nhắm đến nông dân nghèo tại 4 tỉnh nơi có nhiều hạn chế cho sản xuất như là mặn, phèn và ngập lũ. Hơn 3.960 nông dân được hưởng lợi từ các thử nghiệm giống lúa, và các thử nghiệm khác. Thông tin từ dự án chắc chắn sẽ tác động lên các nông dân khác ở các tỉnh lân cận thông qua các cơ hội để chia sẽ các thông tin. Như mô tả trong kết quả, dự án đã tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia vào tất cả các hợp phần trong dự án. Dự án đã tạo cơ hội cho 6 phụ nữ đạt chứng chỉ sau đại học trong và ngoài nước. Đã có khoảng 700 phụ nữ tham gia trong các thí nghiệm PVS, PRA của các nghiên cứu đánh giá về giống cây trồng và quản lý tài nguyên thiên nhiên.