Kiến nghị chính sách qua hội thảo khoa học “CÁC VẤN ĐỀ KHÔ HẠN VÀ XÂM NHẬP MẶN NĂM 2020 TẠI VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG”
Mùa khô năm 2020 vùng ĐBSCL đã đối mặt với tình trạng khô hạn và mặn xâm nhập nặng nề mang tính lịch sử , hệ quả là nhiều vùng ven biển đã đối mặt với tình trạng thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng và thiệt hại về sản xuất nông nghiệp và thuỷ sản. Ngày 17/6/2020 tại trường Đại học Cần Thơ, Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu dưới sự tài trợ của Mạng lưới Sông ngòi Viện Nam (VRN) đã tổ chức hội thảo khoa học ”CÁC VẤN ĐỀ KHÔ HẠN VÀ XÂM NHẬP MẶN NĂM 2020 TẠI VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG” để đánh giá tình hình và tìm giải pháp cũng như chính sách đối phó với khô hạn và mặn xâm nhập trong tương lai.
Chiến lược, văn bản pháp lý và chính sách để phát triển nông nghiệp theo hướng kinh doanh và thích nghi với BĐKH nói chung và hạn/mặn nói riêng có lẻ đầy đủ và bao quát tất cả lĩnh vực chính có liên quan. Vấn đề có lẽ là tính nhất quán của kế hoạch, chính sách; triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp chính sách, giải pháp hỗ trợ cụ thể để triển khai hiệu quả chính sách, quy hoạch không gian liên tiểu vùng và phối hợp đồng bộ ngành dọc (trung ương – địa phương).
Những vấn đề thực tế và nhu cầu cải tiến triển khai chính sách cụ thể sau:
1. Tính nhất quán của chính sách: Chính sách cần nhất quán để phát triển ngành hàng chủ lực theo lợi thế sinh thái và canh trạnh từng địa phương. Ví dụ: có định hướng giảm diện tích gieo trồng lúa ở tiểu vùng không có lợi thế so sánh thì nên cho phép địa phương triển khai hợp lý.
2. Quy hoạch không gian giữa tiểu vùng để sử dụng nước có hiệu quả. Tiểu vùng lũ sử dụng rất nhiều nước cho canh tác lúa hè thu cho giá trị sử dụng nước thấp, trong khi tiểu vùng dưới thiếu nước để sản xuất giống cây ăn trái hoặc sản xuất trái cây có giá trị sử dụng nước cao hơn.
3. Tổ chức sản xuất, liên kết phát triển ngành hàng theo chuỗi giá trị kết hợp quản lý tài nguyên nước và hạn/mặn ở cấp cộng đồng, bao gồm giải pháp công trình giữ ngọt, quản lý mặn; để tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp tư và tránh xung đột trong sử dụng tài nguyên nước giữa hộ.
4. Tăng cường năng lực thích nghi cho cá nhân (nông dân, doanh nghiệp, viên chức nhà nước hoặc dịch vụ công) và tổ chức (tổ hợp tác, hợp tác xã, cơ quan dịch vụ công,…) về: dự báo sớm, quan trắc, kế hoạch thích nghi ngắn – trung hạn, phát triển kinh doanh, cải tiến phổ biến và tiếp cận thông tin cần thiết,… Thể chế hóa phù hợp các chính sách bằng cách lồng ghép đào tạo nghề thích hợp.
5. Áp dụng cách tiếp cận thích nghi dần và quản trị tài nguyên nước đa cấp: (1) hộ, áp dụng khoa học – công nghệ để cải tiến hiện trạng, (2) cộng đồng, tổ chức sản xuất và quản lý nước, kinh doanh nông nghiệp để cải tiến hoặc chuyển dịch hiện trạng, (3) tiểu vùng, quy hoạch không gian và ngành, công trình để cải tiến hoặc chuyển dịch hiện trạng, (4) liên tiểu vùng và vùng, quy hoạch không gian và ngành, thay đổi sử dụng đất và ngành hàng chủ lực, công trình,...để hỗ trợ và tránh xung đột lợi ích giữa tiểu vùng.
Về giải pháp:
- Nên định hướng theo việc phục hồi khả năng hấp thụ và lưu trữ nước (water absorb and water retention) ở 2 vùng trũng lớn nhất ĐBSCL là vùng Tứ giác Long Xuyên và vùng Đồng Tháp Mười song song với các vận động từng bước cắt bỏ lúa vụ 3 và chuyển hướng sản xuất nông nghiệp phù hợp.
- Nên khuyến khích làm các hồ chứa nhỏ và vừa (dưới 0,5 triệu m3) và phân tán trong các mương vườn, vùng lung đìa sẽ hợp lý hơn và rẻ tiền hơn. Hồ chứa nhỏ kết hợp với việc lót bạt nylon sẽ chống thấm rút rất hiệu quả và khả thi. Các vùng trũng thấp, đất ngập nước cũng đưa vào xem xét bảo tồn. Việc xây dựng các hồ chứa lớn hàng triệu m3, đào sâu trên 2 m cần thận trọng vì sẽ đưa một khối lượng đất phèn lên trên mặt đất, gây tình trạng gia tăng acid hoá, gây ngộ độc vi sinh vật đất và nước. Hồ chứa nước lớn có khả năng rút nước chung quanh gây khô hạn cục bộ.
- Hạn chế khai thác nước ngầm, việc bổ cập nhân tạo nước ngầm (artificial groundwater recharge) là cần nhưng cũng phải rất thận trọng, cho dù có nhiều mô hình đã thực hiện ở các nước khác nhưng ở ĐBSCL thì không thành công. Thứ nhất là chất lượng nước bơm xuống phải bảo đảm sạch, không ô nhiễm hoá chất và các kim loại độc hại. Khi nguồn nước ngầm bị ô nhiễm thì bó tay, khó có phương cách nào xử lý. Ngoài ra, phải tốn khá nhiều năng lượng để bơm nén vì cấu trúc địa chất của đồng bằng chủ yếu là tầng sét dày, rất ít cát nên khó thấm tự nhiên được.
- Lọc nước biển thành nước ngọt có thể thực hiện nhưng cân nhắc chi phí, hiện đã giảm nhưng vẫn còn cao. Tuy có đắt đỏ nhưng là một hướng giải quyết khả thi và tiềm năng. Nước lọc được chỉ giải quyết cho ăn uống sinh hoạt, một ít cho chăn nuôi, khó dùng cho sản xuất nông nghiệp.
- Khuyến khích các biện pháp sử dụng nước tiết kiệm, sử dụng nước tuần hoàn kết hợp với chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông ngư nghiệp theo hướng tự nhiên.