Ngày 19/4/2021, tại Hội trường Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên, trường Đại học Cần Thơ, đã diễn ra buổi giới thiệu dự án “Phát triển các chương trình đào tạo sáng tạo đa cấp độ cho các chuyên ngành mới về nguồn nước ở Đông Nam Á - INOWASIA” do PGS.TS. Nguyễn Võ Châu Ngân thực hiện với sự tham dự của gần 40 giảng viên và sinh viên.
Dự án INOWASIA thuộc nhóm dự án nâng cao nguồn nhân lực cho Trường Đại học Cần Thơ được tài trợ bởi Chương trình Erasmus+ của Cộng đồng chung châu Âu. Đơn vị phụ trách dự án là Trường Đại học Girona (Tây Ban Nha); các đơn vị phối hợp bao gồm Trường Đại học Barcelona, Trường Đại học Địa Trung Hải (Tây Ban Nha), Trung tâm hỗ trợ phát triển Pháp, Trường Đại học Toulouse(Pháp), Trường Đại học quốc gia Lào, Trường Đại học Souphanouvong (Lào), Viện Công nghệ Campuchia, Trường Đại học quốc gia Battambang (Campuchia); Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội, và Trường Đại học Cần Thơ (Việt Nam). Mục tiêu chính của dự án nhằm cập nhật và hiện đại hóa phương pháp giảng dạy trong lĩnh vực quản lý bền vững tài nguyên nước tại các trường đại học thành viên ở Đông Nam Á định hướng theo các tiêu chuẩn của châu Âu và quốc tế, tiệm cận với khung đào tạo Bologna của châu Âu; đồng thời mở rộng gắn kết cơ sở đào tạo và doanh nghiệp bên ngoài.
Dự kiến sau 03 năm thực hiện (tháng 01/2021 đến 01/2024), dự án sẽ đạt được những kết quả sau:
- Cải thiện kiến thức ngành nước cho sinh viên, bao gồm những kiến thức căn bản về chất lượng và xử lý, những kiến thức nâng cao về công nghệ đổi mới và các quan điểm hiện đại. Nhờ đó sinh viên có thể tìm được công việc tốt hơn và triển khai công việc tốt hơn.
- Cập nhật kiến thức và chương trình giảng dạy cho giảng viên ngành nước về những quan điểm đổi mới như kinh tế tuần hoàn, giải quyết vấn đề dựa vào tự nhiên, công nghệ ICT chi phí thấp, chi trả cho hệ sinh thái... Đồng thời nâng cao năng lực giảng dạy thông qua các khóa tập huấn về phương pháp học dựa vào vấn đề.
- Các trường thành viên ở châu Á có cơ hội cử giảng viên trao đổi kiến thức và kinh nghiệm ngành nước với các trường châu Âu. Đồng thời tạo ra một diễn đàn ngành nước giữa các trường thành viên châu Á cùng hỗ trợ giải quyết các vấn đề và thử thách trong ngành nước, chuyển đổi từ cách tiếp cận cũ, cục bộ sang cách tiếp cận mới trên diện rộng, gắn kết người sử dụng nước và các bên liên quan.
- Kết nối mạng lưới giữa cơ sở giáo dục, chính quyền địa phương, các bên liên quan và doanh nghiệp ngành nước tổ chức các chương trình tập huấn dựa trên các vấn đề ngành nước gặp phải. Từ đó hình thành khung quản lý tài nguyên nước tổng hợp cho từng quốc gia.
- Kiểm định các khóa học ngành nước mới thiết kế và giảng dạy để đánh giá về mức độ ứng dụng trong quản lý nguồn nước và ảnh hưởng đến xã hội. Định hướng phát triển các chính sách ngành nước trong chiến lược quản lý tổng hợp tài nguyên nước quốc gia.
Một số hình ảnh của buổi giới thiệu: