Chương trình Y-CoRe – Nâng cao năng lực thanh niên với tác
động của biến đổi khí hậu tại đồng bằng sông Cửu Long
Kêu gọi vị trí Quản lý chương trình
Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu (DRAGON-Mekong), Trường Đại học Cần Thơ, thông qua thông báo này xin mời các hồ sơ nộp ứng tuyển vị trí Quản lý chương trình “Nâng cao năng lực thanh niên với tác động của biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long” (gọi tắt là Y-CoRe) từ các ứng viên có chuyên môn và mối quan tâm đến các vấn đề thử thách khí hậu và phát triển bền vững tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Giới thiệu Viện DRAGON-Mekong
Năm 2007, Ủy ban Liên Chính Phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) đã cảnh báo 13 đồng bằng lớn trên thế giới sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng do tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, trong đó có đồng bằng sông Cửu Long. Do tầm quan trọng về an ninh lương thực, kinh tế, xã hội và văn hóa của hai Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng sông Mississippi, Hoa Kỳ, ngày 25 tháng 06 năm 2008, Việt Nam và Hoa Kỳ đã có tuyên bố chung về việc thành lập Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu (gọi tắt là Viện DRAGON-Mekong[1]), đặt tại Trường Đại học Cần Thơ.
Viện DRAGON-Mekong được thành lập nhằm mục tiêu thiết lập cơ sở thông tin toàn cầu, tăng cường quan hệ hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm lâu dài giữa các đồng bằng trên thế giới. Viện DRAGON-Mekong là đầu mối kết nối các hoạt động nghiên cứu, giáo dục và chuyển giao kiến thức khoa học đến các nhà lãnh đạo, quản lý và cộng đồng cấp địa phương, khu vực, quốc gia và các đồng bằng khác trên thế giới nhằm mục đích nâng cao năng lực thích nghi của con người đối với thiên tai, phát triển bền vững kinh tế-xã hội và bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên.
Giới thiệu chương trình Y-CoRe
Việt Nam là quốc gia dễ tổn thương vì những tác động của các vấn đề trên trái đất (ô nhiễm không khí, mực nước biển tăng, rác thải nhựa, v.v.), và hiện đang có rất nhiều nỗ lực để giảm thiểu các vấn đề này nhằm hướng đến một nền kinh tế xanh hơn. Trong bản báo cáo dự án nghiên cứu Thế hệ trẻ (Next Generation) của Hội đồng Anh thực hiện gần đây, giới trẻ Việt Nam trong độ tuổi 16-30 cho biết nước sạch và vệ sinh, năng lượng sạch, kế hoạch hành động vì môi trường và điều kiện sống phù hợp là những ưu tiên hàng đầu của họ.
Chương trình Y-CoRe tạo ra một nền tảng tích hợp các hoạt động cung cấp kiến thức, kỹ năng, thái độ sống của một công dân tích cực toàn cầu cho giới trẻ tại Đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam. Đây là nơi cư ngụ của gần 22 triệu dân và là vùng sản xuất lương thực chính, đảm bảo cán cân an ninh lương thực toàn cầu, hiện đã và đang đối mặt với nhiều tác động nghiêm trọng do các thách thức từ biến đổi khí hậu, thay đổi nguồn nước, ô nhiễm môi trường và phát triển kinh tế - xã hội chưa bền vững.
Chương trình sẽ được thực hiện thông qua cách tiếp cận phân tầng các phương thức từ nâng cao nhận thức (awareness - tầng 1), xây dựng hành động (action – tầng 2) và lan tỏa nối kết (advocacy – tầng 3) kết hợp các phương pháp luận giữa truyền thông, nghệ thuật và khoa học có lồng ghép các vấn đề bình đẳng và hòa nhập xã hội. Đối tượng chương trình hướng đến là thanh niên (độ tuổi từ 18 – 30) tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đây là đối tượng sẽ được tập huấn và nâng cao năng lực để có thể đưa ra các hành động vì khí hậu. Chương trình hướng đến sự tham gia đa ngành, đa lĩnh vực, để cùng đóng góp giải quyết các tác động từ biến đổi khí hậu, đồng thời mang lại cơ hội để gắn kết thanh niên hướng đến phát triển nhanh bền vững ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Mục tiêu chương trình
Mục tiêu chung của chương trình là xây dựng mạng lưới thanh niên có năng lực kiến thức, kỹ năng, hoài bão, sẵn sàng đóng góp trong giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và tại khu vực nói chung. Từ đây, các mục tiêu cụ thể được xác định:
- Giới trẻ tại Đồng bằng sông Cửu Long có hiểu biết về những vấn đề liên quan đến tác động của biến đổi khí hậu và bất bình đẳng giới lên cuộc sống và các cộng đồng của họ.
- Giới trẻ tại Đồng bằng sông Cửu Long nắm bắt được sự khẩn thiết về việc cần phải đối mặt với các thử thách do biến đổi khí hậu và bất bình đẳng giới mang lại.
- Giới trẻ tại Đồng bằng sông Cửu Long có cơ hội rèn luyện kỹ năng và thái độ để phát triển tư duy phản biện và phản hồi một cách sáng tạo và toàn diện hướng đến một Đồng bằng sông Cửu Long bền vững và có khả năng chống chịu với tác động của biến đổi khí hậu.
Quy mô hoạt động chương trình
Viện DRAGON-Mekong mong muốn được làm việc với các bạn, đặc biệt là những nhà nghiên cứu trẻ có chuyên môn và mối quan tâm đến các vấn đề thách thức khí hậu khu vực sông Cửu Long, và mong muốn làm việc với thanh niên tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Viện DRAGON-Mekong, đối tác Hội đồng Anh tại Việt Nam, và nhóm chuyên môn sẽ cùng phối hợp thực hiện các hoạt động của chương trình Y-CoRe giai đoạn 02 trong thời gian từ tháng Hai 2024 đến tháng Hai năm 2025:
- Tham dự chương trình ToT 06 tuần để đào tạo kỹ năng liên quan đến Biến đổi Khí hậu và Bình đẳng giới trực tiếp tại Cần Thơ và trực tuyến bao gồm những kỹ năng như truyền thông, kiến thức truyền đạt chính sách, kỹ năng, lãnh đạo, kỹ năng viết đề án xin tài trợ quy mô nhỏ và việc thực hiện đề án) cho 30 giảng viên và nhà giáo dục trẻ tại Đồng bằng sông Cửu Long.
- Hỗ trợ các giảng viên đã tham gia khóa đào tạo ToT thực hiện 10-15 sáng kiến về lĩnh vực lồng ghép Biến đổi Khí hậu và Bình đẳng giới trong giảng dạy và đào tạo tại các Trường Đại học/Cao đẳng tại Đồng bằng sông Cửu Long.
- Hỗ trợ thanh niên đã tham gia chương trình Y-CoRe giai đoạn 01 thực hiện 05 dự án phát triển mở rộng từ kết quả đạt được của giai đoạn 01.
- Tham dự 01 chương trình hội thảo mạng lưới thanh niên và triển lãm kết quả thực hiện các sáng kiến theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến với sự tham dự của 300 người (bao gồm các bên liên quan tại các tỉnh của đồng bằng sông Cửu Long như chính quyền địa phương, các Sở TNMT, Sở GDĐT, nhà khoa học, nhà giáo dục, tổ chức phi chính phủ, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân và 100 người tham gia trực tuyến).
Kết quả của chương trình Y-CoRe giai đoạn 02 dự kiến sẽ bao gồm:
- 05 dự án Hành động vì Xã hội được phát triển mở rộng và thực hiện bởi các thanh niên đã tham gia mạng lưới Y-CoRe tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
- Các sản phẩm truyền thông cụ thể cho các dự án trên (ví dụ như phim ngắn, phóng sự, hoạt hình, tranh vẽ, sản phẩm thiết kế, v.v.) có thể dùng để truyền thông đến các mạng lưới thanh niên khác và cộng đồng địa phương.
- Chương trình tập huấn ToT trong 06 tuần cho 30 giảng viên và nhà giáo dục tại ĐBSCL.
- 01 chương trình hội thảo mạng lưới và triển lãm kết quả vào cuối giai đoạn 01.
- 01 chương trình trao đổi thanh niên giữa mạng lưới Y-CoRe và mạng lưới thanh niên ở Xứ Wales, Vương quốc Anh trong 02 – 03 tuần.
Quyền lợi của quản lý chương trình Y-CoRe
Ứng viên trúng tuyển vị trí Quản lý chương trình sẽ được hưởng các quyền lợi bao gồm:
- Lương định kỳ hằng tháng từ 02/2024 – 02/2025 trong chương trình Y-CoRe do Viện DRAGON-Mekong chi trả. Mức lương sẽ được thống nhất bởi Viện DRAGON-Mekong và ứng viên đủ điều kiện tham gia phỏng vấn.
- Các quyền lợi về bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm xã hội và các quy định về quyền lợi của người lao động theo quy định hiện hành.
- Các chi phí đi công tác để tham gia và thực hiện các hoạt động của chương trình.
- Cơ hội ứng tuyển vào các vị trí việc làm khác do Viện DRAGON-Mekong thực hiện.
- Viện DRAGON-Mekong áp dụng mức thù lao và các chi phí khác theo Quy chế chi tiêu nội bộ hiện hành của Trường Đại học Cần Thơ.
Yêu cầu cho ứng viên
Số lượng tuyển dụng: 01.
Chương trình Y-CoRe mời nộp hồ sơ với các ứng viên có điều kiện như sau:
- Ứng viên không quá 30 tuổi tại thời điểm nộp hồ sơ.
- Tốt nghiệp trình độ đại học trở lên các chuyên ngành có liên quan đến biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và môi trường, quản lý giáo dục, v.v; ứng viên được đào tạo tại nước ngoài là một lợi thế.
- Có chứng chỉ Tiếng Anh quốc tế tương đương IELTS 6.0 trở lên.
- Có đam mê, kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm làm việc 2 năm (tương đương 2800 giờ, bao gồm làm việc bán thời gian, tình nguyện, thực tập/kiến tập, toàn thời gian, v.v) có liên quan đến chủ đề biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
- Có kinh nghiệm thực hiện các chương trình huấn luyện về kỹ năng nghiên cứu cho giới trẻ không làm trong lĩnh vực học thuật.
- Có thể cam kết thực hiện đúng tiến độ và đầy đủ các hoạt động của dự án theo yêu cầu của Chủ nhiệm và Điều phối chương trình. Thực hiện báo cáo tiến độ định kỳ hằng tháng cho Ban Điều phối và Đối tác của chương trình.
- Thời gian làm việc từ thứ 2 – thứ 6 hằng tuần:
- Sáng từ 07:30 đến 11:30.
- Chiều từ 13:00 đến 17:00.
- Có cam kết tuân thủ Chính sách Bảo vệ trẻ em, Chính sách Công bằng, Đa dạng và Hòa nhập của chương trình Y-CoRe (sẽ được tập huấn sau khi ứng viên trúng tuyển).
- Có kinh nghiệm hợp tác với Viện DRAGON-Mekong và các đối tác của chương trình có thể là một lợi thế.
- Các ứng viên là nữ giới được khuyến khích tham gia.
Hồ sơ ứng tuyển gồm có:
- Đơn xin việc làm (ngoài bì hồ sơ ghi rõ vị trí dự tuyển, điện thoại, email).
- Sơ yếu lý lịch có dán ảnh và xác nhận của chính quyền địa phương.
- CV tối đa 2 trang A4.
- Thư tối đa 2 trang A4 trình bày động lực và kế hoạch thực hiện công tác.
- Giấy khám sức khỏe (có thể bổ sung sau).
- Văn bằng, chứng chỉ, bảng điểm có liên quan (ứng viên có thể nộp bản sao từ sổ gốc, bản sao có chứng thực hoặc nộp bản sao xuất trình kèm bản chính để đối chiếu).
* Thời hạn nhận hồ sơ: 30 ngày kể từ ngày ra thông báo.
* Liên hệ và nộp hồ sơ:
Ứng viên được lựa chọn nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua thư điện tử.
- Địa chỉ nhận hồ sơ trực tiếp: Tầng 3, Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ, Khu II, đường 3/2, phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ.
- Địa chỉ email nhận hồ sơ điện tử: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.. Hồ sơ được scan thành 1 bản pdf chất lượng tốt, rõ nét.
- Số điện thoại hỗ trợ: 0292 3730 448.
* Ứng viên lựa chọn nộp hồ sơ trực tiếp có thể nộp hồ sơ qua đường bưu điện.
* Những ứng viên đạt điều kiện phỏng vấn sẽ được liên hệ để sắp xếp phỏng vấn trực tiếp tại Viện DRAGON-Mekong.
Phụ lục Kế hoạch hoạt động (01/2024 – 03/2024)
[1] DRAGON là chữ viết tắt của Delta Research and Global Observation Network - Mạng lưới Nghiên cứu Đồng bằng và Quan trắc Toàn cầu