Với mục tiêu tham vấn các đơn vị liên quan về vai trò của giới trẻ trong việc giảm phát thải khí nhà kính và đánh giá mức độ quan trọng cũng như sự quan tâm của các bên liên quan trong việc giảm phát thải khí nhà kính ở đồng bằng sông Cửu Long, Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ (DRAGON-Mekong) phối hợp với Trường Đại học Northumbria, tổ chức hội thảo trực tuyến về “Vai trò của thanh niên trong giảm phát thải khí nhà kính ở đồng bằng sông Cửu Long” (diễn ra vào ngày 19/1/2022).

 

Hội thảo trực tuyến về “Vai trò của thanh niên trong giảm phát thải khí nhà kính ở đồng bằng sông Cửu Long”.

Tham dự hội thảo có các đại diện của Sở Công thương thành phố Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Vĩnh Long; Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh An Giang, Kiên Giang; Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang; Học viện Chính trị khu vực 4; Thành đoàn Cần Thơ; Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn; Viện kinh tế - xã hội Tp. Cần Thơ; Trường Đại học Trà Vinh; Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ kỹ thuật về Môi trường; Trung tâm Sáng kiến Cộng đồng và Môi trường cùng với đại diện các tổ chức, các dự án đang hoạt động về môi trường tại Thành phố Cần Thơ và Việt Nam.

 

PGS. TS Văn Phạm Đăng Trí - Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu phát biểu khai mạc hội thảo

TS. Huỳnh Văn Đà – Giảng viên, Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Cần Thơ giới thiệu dự án và chia sẻ về “Giảm phát thải khí nhà kính ở Việt Nam: hiện trạng và chính sách”.

 

PGS. TS. Lê Anh Tuấn – Giảng viên, Khoa Môi trường và Tài nguyên Thiên nhiên chia sẻ về “Trách nhiệm của thanh niên trong tiến trình vận động giảm phát thải khí nhà kính”.

 

Cô Nguyễn Thị Ngọc Sương - Quản lý dự án Bảo Gia Farm Camping (farm education) chia sẻ tóm tắt về “Vai trò của doanh nghiệp trẻ trong việc góp phần giảm phát thải khí nhà kính từ chuỗi giá trị cung ứng bền vững”.

 Tại phiên thảo luận, đại diện của các đơn vị đã chia sẻ các vấn đề liên quan đến vai trò của thanh niên trong giảm phát thải khí nhà kính ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cũng như phân tích những vấn đề làm hạn chế khả năng phát triển các hoạt động liên quan đến giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường của người trẻ để từ đó đưa ra những phương pháp hỗ trợ thích hợp.

Các đại biểu đã tham gia thảo luận chia sẻ về những vấn đề liên quan đến vai trò của thanh niên trong giảm phát thải khí nhà kính và chuyển đổi cân bằng.

Trong phiên thảo luận, hội thảo đã nhận được nhiều chia sẻ và đóng góp từ các đại diện đến từ địa phương và các chuyên gia quan tâm đến hoạt động giảm phát thải KNK, môi trường và chuyển đổi cân bằng tại ĐBSCL. Cô Trần Thị Thủy Tiên - Bí thư Đoàn Thanh niên Trường đại học Cần Thơ đánh giá cao vai trò quan trọng của giới trẻ trong việc giảm phát thải khí nhà kính. ThS. Lê Ngọc Hân - Học viện Chính trị Khu vực 4 đã chia sẻ giải pháp nâng cao nhận thức của thanh niên trong vấn đề bảo vệ môi trường cũng như giảm phát thải khí nhà kính.

 

Những chia sẻ liên quan đến vai trò của thanh niên trong vấn đề thảo luận chung của hội thảo.

 Thông qua hội thảo, một số vấn đề đã được thảo luận giúp tăng cường sự tham gia của người trẻ vào quá trình giảm phát thải khí nhà kính. Về vai trò của thế hệ trẻ trong quá trình giảm phát thải khí nhà kính và chuyển đổi cân bằng:

  • Đối tượng chính góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng trong các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính và chuyển đổi cân bằng.
  • Lực lượng tiên phong thông qua những hành động và lan tỏa hành động đến các thế hệ khác trong quá trình giảm phát thải khí nhà kính và chuyển đổi cân bằng. Từ đó, tạo ra những hiệu ứng/tác động tích cực đến xã hội.
  • Đây là thế hệ rất sáng tạo trong các hoạt động giảm phát thải, chuyển đổi cân bằng.
  • Có khả năng truyền thông tốt các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính và chuyển đổi cân bằng thông qua mạng xã hội.

Những người trẻ tuổi có khá nhiều thuận lợi khi tham gia vào các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính và chuyển đổi cân bằng:

  • Các dự án hỗ trợ thanh niên giúp năng lực và sự lan tỏa của thanh niên đến với cộng đồng.
  • Thanh niên có sức trẻ, lòng nhiệt huyết, sự sáng tạo, sự năng động và thời gian có khả năng tạo ra bước đột phá và sự khác biệt.
  • Các nhà khoa học trẻ rất nhiệt tình trong công tác nghiên cứu khoa học đóng góp thông tin khoa học cho các hoạt động.

Tuy nhiên, một số khó khăn của có thể thấy của thế hệ trẻ khi tham gia vào các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính và chuyển đổi cân bằng:

  • Thiếu kiến thức và kinh nghiệm là vấn đề khá quan trọng của thế hệ trẻ trong các hoạt động giảm phát thải và chuyển đổi cân bằng.
  • Thiếu sự đồng hành của các thế hệ đi trước - những người có kinh nghiệm, kiến thức và kỹ năng, cũng là một trong những trở ngại đối với thanh niên.
  • Khó tiếp cận các nguồn kinh phí triển khai các hoạt động.

Để hạn chế những khó khăn, phát huy những thuận lợi những người trẻ tuổi có thể tham gia vào quá giảm phát thải khí nhà kính và chuyển đổi cân bằng thông qua các hoạt động:

  • Tạo ra diễn đàn, môi trường cho người trẻ hoạt động, hỗ trợ tạo điều kiện về thủ tục và cơ sở vật cho các hoạt động về môi trường của người trẻ.
  • Xây dựng định hướng về kiến thức và nhận thức đúng đắn cho thế hệ trẻ.
  • Người trẻ cần chủ động hơn trong việc tìm kiếm nguồn hỗ trợ, kết nối các mối quan hệ sẵn có để xây dựng những cộng đồng hoạt động có tổ chức.
  • Người trẻ cần sử dụng thế mạnh của bản thân (kiến thức, kỹ năng) trong các hoạt động giảm phát thải.
  • Chú trọng thực hiện các hành động và truyền thông để mở rộng mạng lưới, thu hút nhiều người trẻ cùng tham gia.

Và để gắn kết các bên liên quan và các thế hệ, một số kiến nghị được đề xuất:

  • Kết nối với các trường trung học, xây dựng cầu nối giữa nhóm thực hiện dự án với các bạn học sinh - thế hệ tương lai, truyền lửa đến các bạn nhỏ, tăng tính lan tỏa.
  • Tạo cơ hội gặp gỡ chia sẻ trực tiếp đến các bạn sinh viên trẻ trong các chương trình liên kết đào tạo.
  • Các bạn trẻ cần liên kết với nhau để tạo nên mạng lưới hành động và chủ động hơn.
  • Liên kết đến các tổ chức xã hội cũng như truyền cảm hứng đến những người trẻ có cùng quan tâm trong việc giảm phát thải khí nhà kính và chuyển đổi cân bằng.

 (Tin và ảnh: Viện DRAGON-Mekong)