Chương trình tập huấn Tailor Made Training đợt 2 về “Chuyển đổi trong hệ thống thực phẩm: Đánh giá các tác động tài chính, sinh thái và xã hội của các mô hình nuôi tôm khác nhau và chuẩn bị nông thôn” diễn ra tại Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu (DRAGON-Mekong)

Từ ngày 25 đến 27 tháng 03 năm 2024, chương trình tập huấn TMT (Tailor Made Training) đợt 2 diễn ra tại Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu (DRAGON-Mekong) tại Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT), tiếp nối chương trình tập huấn đợt 1 từ ngày 25 đến 29 tháng 02. Chương trình được tài trợ bởi NUFFIC trong khuôn khổ của chương trình Orange Knowledge Program (OKP).  Mục tiêu chính của chương trình tập huấn đợt 2 hướng đến các mô hình nuôi trồng thủy sản đang được thực hiện ở ĐBSCL (bao gồm mô hình nuôi tôm kết hợp tán rừng ngập mặn và mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ xử lý nước tuần hoàn (Recirculating Aquaculture System – RAS). Tại đây, các chuyên gia đến từ Hà Lan, Bỉ, cùng các giảng viên và nghiên cứu viên tại Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh, Đại học Văn Lang và Đại học Bạc Liêu cùng nhau chia sẻ về 03 khía cạnh của mô hình: môi trường, kinh tế và xã hội. Đại diện DRAGON-Mekong, TS. Đinh Diệp Anh Tuấn khai mạc phát biểu, khẳng định vai trò của Viện trong hoạt động của dự án cũng như các dự án có liên quan cũng như gửi lời cảm ơn đến các chuyên gia quốc tế và người tham gia chương trình tập huấn lần này (Hình 1).

Hình 1: TS. Đinh Diệp Anh Tuấn đại diện khai mạc phát biểu cho tập huấn TMT đợt 2

Với kinh nghiệm trên 40 năm, TS. Roel H. Bosma – chuyên gia độc lập tại Hà Lan (Hình 2) chia sẻ cụ thể về 05 mô hình nuôi tôm tại ĐBSCL: mô hình nuôi thâm canh tôm sú và tôm thẻ chân trắng (Intensive monodon and vannamei (INT)), mô hình nuôi tôm quãng canh cải tiến (Improved Extensive (IE)), mô hình nuôi tôm quãng canh (Extensive), mô hình nuôi tôm rừng kết hợp nuôi trồng thủy sản (Integrated Mangrove Shrimp silvi-Aquaculture (IMS)),  và mô hình giống lai kết hợp (INT) dựa trên mô hình IE hoặc IMS. Mỗi mô hình canh tác đều được tính toán và so sánh đa tiêu chí về khu vực nuôi, con giống, chỉ thị về môi trường, kinh tế và xã hội. Bên cạnh đó, TS. Roel Bosma trình bày kết quả nghiên cứu đạt được từ dự án “Building with Nature” tại Indonesia về mặt kinh tế, xã hội, và chức năng sinh thái của rừng ngập mặn trong mô hình nuôi tôm kết hợp tán rừng.

Hình 2: TS. Roel H. Bosma chia sẻ cách đánh giá đa tiêu chí cho các mô hình nuôi tôm tại ĐBSCL

Bên cạnh đó, TS. Karin van de Break – chuyên gia tại đơn vị Giải pháp Thủy sản bền vững (Sustainable Aquaculture Solutions (SAS) www.sasnet.nl) và TS. Nancy Nevejan – chuyên gia tại Shell&Valves, tập trung phân tích các yếu tố ngoại biên cho mô hình nuôi tôm kết hợp rừng, quãng canh và ứng dụng công nghệ RAS. Ngoài ra, các chuyên gia quốc tế chia sẻ về thị trường xuất khẩu của thủy sản, giá thành, cơ hội và thách thức trong tương lai.  

Hình 3: TS. Nancy Nevejan và TS. Karin van de Break phối hợp trình bày về các khía cạnh môi trường, kinh tế, xã hội cho từng mô hình nuôi tôm tại ĐBSCL

Ông Ngô Tiến Chương – chuyên gia GIZ tham gia trình bày về trong mô hình nuôi tôm kết hợp và ứng dụng RAS trong nuôi tôm tại ĐBSCL (Hình 4). Theo ông chia sẻ: “ĐBSCL được ưu đãi về mặt địa lý với những điều kiện lý tưởng cho ngành nuôi trồng thủy sản và đánh bắt cá phát triển mạnh. Theo đó, ngành nuôi trồng thủy sản đóng vai trò quan trọng trong phát triển nền kinh tế đất nước. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu và nước biển dâng mang lại rất nhiều thách thức cho các mô hình nuôi tôm, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực nuôi tôm và lợi nhuận kinh tế cho vùng ĐBSCL cũng như cả nước”.

Hình 4: Ông Ngô Tiến Chương tham gia trình bày về mô hình nuôi tôm rừng và RAS tại ĐBSCL

Bên cạnh các vấn đề cốt lõi về kinh tế, xã hội và môi trường, TS. Nguyễn Thị Kim Quyên – giảng viên Trường Thủy sản tại Trường ĐHCT (Hình 5) chia sẻ về kỹ thuật nuôi trồng thủy sản, phương thức canh tác, thị trường tiêu thụ và đánh giá ảnh hưởng từ các mô hình nuôi tôm đối với cộng đồng ở vùng ĐBSCL.

Hình 5: TS. Nguyễn Thi Kim Quyên – giảng viên tại Trường Thủy sản – Trường ĐHCT chia sẻ về vấn đề kinh tế - xã hội đang xảy ra đối với từng mô hình nuôi tôm tại ĐBSCL

Dưới góc độ am hiểu về các vấn đề môi trường của ĐBSCL, TS. Thái Phương Vũ – Phó Trưởng khoa Khoa Môi Trường tại Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh đưa ra nhiều dẫn chứng về tình hình canh tác tại đồng bằng, chia sẻ những nghiên cứu đã làm được, gợi mở các vấn đề có liên quan như mức độ ô nhiễm hiện tại đối với ao nuôi tôm, cũng như các tác nhân đe dọa đến hệ sinh thái tại ĐBSCL. Ngoài ra, chương trình tập huấn thu hút được sự quan tâm từ các giảng viên và nghiên cứu viên tại các trường ở TP. Hồ Chí Minh (Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Việt Đức, Đại học Thủy Lợi, Trường Đại học Quốc Tế và Trường Đại học Bách Khoa - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh), Đại học Bạc Liêu, Phòng thí nghiệm Trọng điểm quốc gia về động lực học sông biển (KLORCE), Tổng Công ty Nước - Môi trường Bình Dương (BIWASE), và Công ty Evergreen Lab (Hình 6).

Hình 6: Người tham dự trực tiếp và trực tuyến cùng nhau thảo luận các vấn đề môi trường, kinh tế và xã hội trong nuôi trồng thủy sản tại ĐBSCL