Chương trình tham quan thực địa tại tỉnh Sóc Trăng trong khuôn khổ dự án “Nâng cao năng lực cho thanh niên trong ứng dụng năng lượng tái tạo và canh tác nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long”

Ngày 25/6/2024, Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu (DRAGON-Mekong), Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) tổ chức Chương trình tham quan thực địa tại tỉnh Sóc Trăng trong khuôn khổ dự án “Nâng cao năng lực cho thanh niên trong ứng dụng năng lượng tái tạo và canh tác nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long” phối hợp với tổ chức Oxfam Việt Nam thực hiện. Chuyến đi có PGS.TS. Lê Anh Tuấn, Cố vấn Khoa học của Viện DRAGON- Mekong, hướng dẫn đoàn, cùng với các giảng viên, nghiên cứu sinh và sinh viên của Trường Đại học Cần Thơ. Thông qua chuyến thực địa, người tham gia đã có cơ hội được khám phá ứng dụng năng lượng tái tạo trong việc giảm phát thải khí nhà kính và lồng ghép giới vào các mô hình phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Đoàn công tác nghe chia sẻ về cách vận hành của nhà máy điện gió Quốc Vinh

Trong chuyến thực địa, đoàn công tác đã ghé thăm nhà máy điện gió Quốc Vinh tại xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng và tìm hiểu về cách thức hoạt động của tuabin gió, quy trình sản xuất điện gió và những lợi ích của điện gió đối với môi trường. Với tổng diện tích dự án 6,82 hecta, nhà máy điện gió Quốc Vinh sử dụng công nghệ hiện đại nhất từ General Electric (GE), Hoa Kỳ, để khai thác năng lượng gió, góp phần cung cấp điện năng cho lưới điện quốc gia và giảm thiểu lượng khí thải CO2 ra môi trường. Khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ cung cấp khoảng 80 GWh điện năng cho hệ thống điện quốc gia hàng năm. Sự ra đời của nhà máy không chỉ đảm bảo cung cấp điện mà còn góp phần phát triển du lịch cho khu vực.

Đoàn công tác tìm hiểu về cách thức hoạt động của tuabin gió và quy trình sản xuất điện gió

Chiều cùng ngày, đoàn công tác đã đến thăm Hợp tác xã Mây tre đan Thủy Tuyết tại xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng. Tại đây, đoàn đã gặp gỡ Nghệ nhân Trương Thị Bạch Thủy, Giám đốc hợp tác xã, người đã nỗ lực vực dậy làng nghề đan lát truyền thống và tạo việc làm ổn định cho phụ nữ vùng nông thôn, đặc biệt là phụ nữ dân tộc.

Trong chuyến thăm, đoàn công tác được trực tiếp chứng kiến nghệ nhân trình diễn và tham gia làm sản phẩm mây tre đan. Hợp tác xã không chỉ là nơi sản xuất các sản phẩm thủ công tinh xảo mà còn là trung tâm chuyển giao kiến thức, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Đây là mô hình Mẫu Mực tại xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng, mang lại nhiều giá trị kinh tế và văn hóa cho cộng đồng.

Nghệ nhân Trương Thị Bạch Thủy, Giám đốc hợp tác xã chia sẻ về các sản phẩm mây tre đan

Đoàn công tác tham gia làm sản phẩm mây tre đan

Một số hình ảnh của chuyến thực địa: