Bản tin Cuộc họp Thảo luận chuyên sâu các nghiên cứu liên quan đến vấn đề ngập lụt và ứng dụng mô hình hóa trong quản lý ngập lụt

Ngày 21/3/2025, Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu (DRAGON-Mekong), Trường Đại học Cần Thơ phối hợp với Trường Đại học Ludwig Maximilians University of Munich (LMU), Đức đã tổ chức Cuộc họp Thảo luận chuyên sâu với chuyên đề về “Các nghiên cứu liên quan đến vấn đề ngập lụt và ứng dụng mô hình hóa trong quản lý ngập lụt”. Cuộc họp nhằm chia sẻ các nghiên cứu khoa học đang được thực hiện trên thế giới về tác động của ngập lụt trong quá khứ và hiện tại, đồng thời thúc đẩy trao đổi học thuật, đề xuất hướng nghiên cứu mới và tìm kiếm cơ hội hợp tác quốc tế trong lĩnh vực biến đổi khí hậu và quản lý ngập lụt.

Tham dự cuộc họp có sự tham gia của các đại diện từ Trường Đại học LMU, Đức gồm Giáo sư Matthias Garschagen - Trưởng khoa Khoa học Trái đất (MLU); Tiến sĩ Liang Emlyn Yang - Điều phối viên chính, Dự án SToRIES, (MLU) và NCS. Hồ Phước Thạnh thành viên dự án SToRIES (MLU). Về phía Trường Đại học Cần Thơ có sự tham dự của PGS.TS Văn Phạm Đăng Trí, Viện trưởng Viện DRAGON – Mekong (Chủ nhiệm của đề tài); TS. Võ Quốc Thành – Khoa Môi trường và Tài nguyên Thiên nhiên, TS. Lý Trung Nguyên – Khoa Môi trường và Tài nguyên Thiên nhiên (Điều phối chính dự án (CTU)) và cùng với các thành viên dự án tham dự.

Nhiều nghiên cứu có liên quan đã được chia sẻ từ hai đơn vị để cùng thảo luận và trao đổi mục tiêu, nội dung, phương pháp và các định hướng nghiên cứu sắp tới bao gồm:

  • Mô hình hóa xâm nhập mặn và tác động đến tài nguyên nước - Phân tích diễn biến xâm nhập mặn theo không gian và thời gian, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và chiến lược ứng phó.
  • Đo lường khả năng chống chịu với ngập lụt của đô thị và nông thôn - Đánh giá khả năng thích ứng của cộng đồng thông qua các nghiên cứu điển hình tại Cần Thơ.
  • Tác động của hệ thống đê bao và cống kiểm soát lũ - Trường hợp nghiên cứu tại vùng Nam Vàm Nao, xem xét hiệu quả và thách thức trong quản lý lũ.
  • Ứng dụng mô hình hóa trong dự báo và quy hoạch thích ứng - Giới thiệu các phương pháp mô phỏng tác động ngập lụt và đề xuất chính sách quản lý tài nguyên nước bền vững.
  • Hợp tác nghiên cứu và định hướng trong tương lai - Trao đổi về các sáng kiến khoa học liên quan đến quản lý lũ, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững tại ĐBSCL.

Cuộc họp đã mang lại những trao đổi chuyên sâu giữa các nhà nghiên cứu, góp phần định hướng các nghiên cứu tiếp theo và thúc đẩy hợp tác khoa học nhằm hỗ trợ phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long trước các thách thức của biến đổi khí hậu.

Các thành viên tham dự cuộc họp chuyên sâu.

Giáo sư Matthias Garschagen, Trường Đại học Ludwig Maximilians University of Munich (MLU), Đức chia sẻ về sự thúc đẩy khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của đô thị qua 3 khía cạnh: tốc độ, phạm vi và chiều sâu.

Tiến sĩ Liang Emlyn Yang, Trường Đại học Ludwig Maximilians University of Munich (MLU), Đức chia sẻ nghiên cứu về mô hình hóa động lực không gian và thời gian của khả năng chống chịu lũ lụt ở lưu vực sông Mê Kông.

Ts. Võ Quốc Thành, Khoa Môi trường và Tài nguyên Thiên nhiên, Trường Đại học Cần Thơ chia sẻ báo cáo về mô hình hóa xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long Việt Nam.

NCS. Hồ Phước Thạnh. Trường Đại học Ludwig Maximilians University of Munich (MLU), Đức trình bày nghiên cứu về xây dựng khả năng chống chịu ngập lụt cho nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long: Nghiên cứu Dự án đê và cống Nam Vàm Nao.

Nghiên cứu viên Lê Hoàng Hải Anh trình bày nghiên cứu về sự đo lường khả năng chống chịu ngập lụt của Cần Thơ cho cộng đồng (FRMC-Cần Thơ).

PGs.Ts Văn Phạm Đăng Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ thảo luận nghiên cứu cùng đại diện Trường Đại học Ludwig Maximilians University of Munich (MLU), Đức.

Toàn thể thành viên tham dự chụp hình bế mạc cuộc họp chuyên sâu.

Các thành viên dùng cơm thân mật sau cuộc họp chuyên sâu.