Ngày 21 tháng 10 năm 2021, Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ phối hợp với các Trường Đại học Southampton (Anh Quốc), Trường Đại học Kyoto (Nhật Bản), Trường Đại học Newcastle (Anh) và Trường Đại học Chulalongkorn (Thái Lan) đã tổ chức hội thảo trực tuyến “Chiến lược Đánh giá Tổng hợp Quản lý Rủi ro Tài nguyên nước Khu vực Châu Á (COP26)”; đây là hoạt động trong khuôn khổ dự án “Phân tích Nhu cầu Chiến lược Tổng hợp Quản lý Rủi ro Tài nguyên nước Khu vực Châu Á”.

Hội thảo có sự tham dự của các chuyên gia trong nước đến từ Viện/Trường, các Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh đó, hội thảo có sự tham gia của các nhà khoa học quốc tế đến từ các đơn vị tham gia dự án.

Đại diện ban quản lý dự án, Giáo sư Craig Hutton - Trường Đại học Southampton (chủ nhiệm dự án) đã có bài phát biểu tổng quan và các kết quả đạt được của dự án, tiếp đến là các báo cáo của các thành viên nghiên cứu như Tiến sĩ Evelyn Pina Covarrubias (Trường Đại học Southampton), Tiến sĩ Christopher Hackney (Trường Đại học Newcastle), và Tiến sĩ Oliver Hensengerth (Trường Đại học Northumbria).

Hội thảo khoa học “Chiến lược Đánh giá Tổng hợp Quản lý Rủi ro Tài nguyên nước Khu vực Châu Á (COP26)”

Trong suốt quá trình diễn ra hội thảo, các đại biểu tham dự đã có nhiều thảo luận trên kết quả đạt được của dự án về thực trạng và quản lý rủi ro tài nguyên nước ở ĐBSCL. Mức độ quan trọng của các mối đe dọa ở khu vực nghiên cứu, tính dễ tổn thương, các chính sách quản lý rủi ro thiên tai hiện hành và những vấn đề chưa được đề cập đã được các chuyên gia chia sẻ và đóng góp ý kiến tại hội thảo.

 

Biểu đồ kết quả ý kiến của các chuyên gia trong quá trình diễn ra hội thảo về mức độ quan trọng của các mối nguy cơ và tác động tính dễ bị tổn thương

Một số kết quả nhận được sự thống nhất chung của đại biểu tham dự hội thảo:

  • Tổng quan thực trạng các nghiên cứu về rủi ro liên quan đến tài nguyên nước (được thực hiện thông quan việc rà soát, tổng kết các công bố quốc tế cũng như các tài liệu khoa học và các tài liệu trong nước khác) cho thấy ĐBSCL đã và đang đối mặt với nhiều mối đe dọa, trong đó nguy cơ về lũ lụt, xâm nhập mặn, sụt lún và xói lở bờ sông và bờ biển được đánh giá là rất nghiêm trọng.
  • Về mô hình tính toán: Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra sự hạn chế về số lượng các mô hình toán đã và đang được áp dụng trong các nghiên cứu có liên quan đến rủi ro tài nguyên nước ở ĐBSCL. Phần lớn các mô hình áp dụng trong mô phỏng các rủi ro liên quan đến lũ lụt, chất lượng nước, thay đổi trầm tích và xói lở. Có rất ít các mô hình phục vụ cho công tác đánh giá tính dễ bị tổn thương và các mô hình này chỉ tập trung đánh giá sự phơi nhiễm và tính dễ bị tổn thương trên nhóm đối tượng về sinh kế, kinh tế - xã hội của người dân vùng ven biển và các khu vực ngập lũ. Các vấn đề về giới, cơ sở hạ tầng, và dân cư vẫn còn được nghiên cứu khá ít trong khi thực trạng đang chịu nhiều ảnh hưởng. Sự hạn chế về khả năng thu thập dữ liệu đầu vào cho mô hình là nguyên nhân chủ yếu được nhận định từ chuyên gia trong việc lựa mô hình trong nghiên cứu.
  • Về chính sách quản lý thiên tai và tài nguyên môi trường ở ĐBSCL: theo đánh giá của chuyên gia, các yếu tố xâm nhập mặn, xói lở bờ biển và bờ sông cũng như hạn hán/khan hiếm nước là các rủi ro được quan tâm nhiều nhất và được chi tiết hóa trong các văn bản nhà nước ban hành. Tuy nhiên, khả năng kịp thời phục vụ cho đánh giá tính tổn thương trên các nhóm đối tượng khác nhau vẫn còn hạn chế do quy trình ban hành và tiến độ triển khai chậm.