Ngày 20/6, Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu (DRAGON-Mekong), Trường Đại học Cần Thơ phối hợp với Tập đoàn Mỹ Lan và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ tổ chức Hội thảo “Chuyển đổi số trong ứng phó hạn mặn tại đồng bằng sông Cửu Long” tại Tập đoàn Mỹ Lan, tỉnh Trà Vinh,

Chủ trì hội thảo bao gồm PGS.TS Nguyễn Hiếu Trung – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, Th.S Nguyễn Phương Lam – Giám đốc VCCI chi nhánh tại Cần Thơ và TS. Nguyễn Thanh Mỹ -  Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Mỹ Lan. Tham dự hội thảo có hơn 60 đại biểu đến từ sở, ngành của các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Bến Tre, Bạc Liêu, Cà Mau, Tiền Giang, và Kiên Giang, thành viên của Mạng lưới Doanh nghiệp Thích ứng Đồng bằng sông Cửu Long (MRBN) và một số doanh nghiệp khác có quan tâm cùng với đội ngũ cán bộ, giảng viên, nghiên cứu viên thuộc Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Trà Vinh, Trường Đại học An Giang và phóng viên từ các đơn vị báo đài như Báo Thế giới Hội nhập, Báo Trà Vinh.

Tại hội thảo, các nhà khoa học đã đánh giá, phân tích và đưa ra nhiều giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong ứng phó hạn mặn, giải pháp tối ưu hóa diện tích canh tác nông nghiệp, đánh giá độ mặn và trữ lượng nước dưới đất bằng phương pháp GIS và mô hình toán, ứng dụng công nghệ internet vạn vật trong nông nghiệp, viễn thám ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp vùng ven biển đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Đồng thời, hội thảo cũng lắng nghe chia sẻ từ các đại biểu về các khó khăn cần được tháo gỡ cũng như thảo luận giải pháp để ứng phó với hạn mặn, định hướng hợp tác giữa các bên liên quan, bao gồm: nhà quản lý – nhà khoa học – doanh nghiệp – người sản xuất (nông dân), trong ứng phó hạn mặn đang diễn ra ngày càng phức tạp và khó lường.

Theo PGS.TS Nguyễn Hiếu Trung, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, trong những năm gần đây, ĐBSCL thường xuyên bị tác động biến đổi khí hậu, nhất là tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn vào mùa khô ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp trong vùng. Vì vậy, chuyển đổi số trong ứng phó hạn mặn tại ĐBSCL là việc làm cần thiết hiện nay. Ngoài ra, các chuyên gia và đại biểu tham dự hội thảo đã thảo luận đồng tình với quan điểm ứng phó hạn mặn trong bối cảnh hiện nay ở ĐBSCL là cần phải tận dụng lợi thế của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần Thứ tư để tạo ra những giá trị mới ngoài giá trị truyền thống nhằm giảm thiểu rủi ro trong sản xuất, giúp nâng cao giá trị nông sản và tăng thu nhập cho nông dân.

Vào chiều cùng ngày, đoàn đại biểu đã tham quan thực tế và học tập kinh nghiệm từ mô thức “Tomgoxy”, nuôi tôm siêu thâm canh giàu Oxy và ứng dụng công nghệ số của Công ty cổ phần Salicornia Ngón Biển tại thị xã Duyên Hải. Mô thức này cung cấp giải pháp đồng bộ về công nghệ số, lý hóa và sinh học, người nuôi tôm. Mô thức Tomgoxy có mật độ 500 con giống trên mỗi mét vuông ao nuôi và không cần sử dụng kháng sinh, giúp giảm chi phí nuôi tôm hơn so với những mô hình nuôi tôm truyền thống. Mô thức này có thể giải quyết những thách thức từ những mô hình nuôi tôm thâm canh truyền thống và thúc đẩy giá trị cho ngành tôm.

Các chuyên gia chủ trì phiên thảo luận tại hội thảo

Bà Nguyễn Thị Cẩm Nhung, Giám đốc Công ty TNHH Minh Đăng trình bày một số khó khăn và mong muốn của Doanh nghiệp trong việc chuyển đổi số

Đoàn đại biểu tham dự Hội thảo “Chuyển đổi số trong ứng phó hạn mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long” ngày 20/6/2022 tại tỉnh Trà Vinh