TỌA ĐÀM: DỰ ÁN VIỄN THÁM CSIRO-BOEING LẦN THỨ 4 TẠI VIỆT NAM, ỨNG DỤNG CHO VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

Ngày: 02 – 03/3/2023

Tại: Trung tâm Học liệu, Trường Đại học Cần Thơ,

Khu II, P. Xuân Khánh, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ, Việt Nam

 

Trong khuôn khổ dự án Ứng dụng viễn thám hợp tác giữa Công ty Boeing Hoa Kỳ và Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghệ Khối Thịnh vượng chung Úc (CSIRO) nhằm phát triển năng lực khoa học trong lĩnh vực viễn thám và ứng dụng viễn thám trong doanh nghiệp tại Việt Nam, Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ phối hợp với Trung tâm Ứng dụng Công nghệ Vũ trụ TP Hồ Chí Minh (STAC/VNSC) và Công ty Cổ phàn RYNAN Technologies Việt Nam đã tổ chức toạ đàm về “Ứng dụng viễn thám CSIRO-Boeing lần thứ 4 tại Việt Nam, ứng dụng cho vùng đồng bằng sông Cửu Long” vào ngày 02 – 03/03/2023 tại Trường Đại học Cần Thơ.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, đồng bằng sông Cửu Long có nhiều cơ hội phát triển, phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Tuy nhiên, song hành với sự phát triển này thì đồng bằng sông Cửu Long cũng đang đối mặt với nhiều thách thức. Các vấn đề về tác động biến đổi khí hậu, nước biển dâng, khai thác tài nguyên thiên nhiên không bền vững trong vùng đã dẫn đến nhiều vấn đề như ô nhiễm môi trường, suy giảm tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học cùng nhiều vấn đề khác. Vì vậy, việc theo dõi, quan trắc, quản lý dữ liệu để giám sát và kịp thời phát hiện những sự thay đổi của môi trường tự nhiên rất được các cấp, các ngành, và các bên liên quan như đơn vị tư nhân, cộng đồng và nhà khoa học quan tâm.

Để thực hiện các công tác này, việc chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ mới để khởi tạo và nâng cao hiệu quả khai thác thông tin và dữ liệu đóng vai trò chủ chốt và là mối ưu tiên hàng đầu. Đặc biệt trong lĩnh vực quản trị môi trường thích ứng với biến đổi khí hậu tại ĐBSCL, công nghệ viễn thám được coi như một công cụ quan trắc hữu ích nhằm theo dõi những biến động của môi trường theo thời gian, phát hiện kịp thời những ảnh hưởng bất lợi của các tai biến thiên nhiên và tác động của con người lên sự phát triển bền vững. Trên cơ sở đó, Toạ đàm được thực hiện với mục đích nhằm giới thiệu và ứng dụng công nghệ viễn thám tiên tiến hướng đến sự phát triển bền vững của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Toạ đàm đã được diễn ra trong 1,5 ngày với 01 phiên khai mạc và 03 phiên họp chuyên đề, trong đó 14 bài báo cáo đã được các diễn giả trong và ngoài nước chia sẻ, cùng với 03 phiên thảo luận sâu về các khía cạnh liên quan đến hành lang pháp lý, các cải tiến kỹ thuật và môi trường thương mại nhằm tạo điều kiện cho việc áp dụng công nghệ viễn thám mới tiên tiến tích hợp với các cải tiến công nghệ khác như điện toán đám mây, học máy, học sâu và trí tuệ nhân tạo. Từ đây, các đại biểu tham dự đã có nhiều đóng góp quan trọng, đặc biệt là cùng đi đến sự đồng thuận về tầm quan trọng và cấp bách của một hệ sinh thái tích hợp các bước tạo dữ liệu, phân tích và đánh giá, phát triển sản phẩm ứng dụng, hợp thức hoá đảm bảo các yêu cầu về pháp lý và thương mại hoá cần được lồng ghép.

Một số hình ảnh của Toạ đàm:

 

Gs.Ts. Trần Ngọc Hải – Phó Hiệu trưởng Trường ĐHCT phát biểu khai mạc

Ông Michael Nguyen, Giám đốc Quốc gia Boeing Việt Nam phát biểu khai mạc

 Ts. Minh Nguyen, chuyên gia CSIRO Úc phát biểu khai mạc

Ông Matthew Paget, chuyên gia CSIRO trình bày tham luận về “Công nghệ viễn thám nâng cao, khối dữ liệu mở, dữ liệu viễn thám tích hợp, và nền tảng điện toán đám mây”

 PGs. Ts. Nguyễn Hiếu Trung, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHCT điều phối phiên thảo luận

Phiên thảo luận 1: Ứng dụng công nghệ viễn thám mới và chia sẻ kinh nghiệm với những người thực hành và phân tích viễn thám.

Phiên thảo luận 2: Ứng dụng công nghệ viễn thám mới và chia sẻ kinh nghiệm với những nhóm các nhà quản lý

Phiên thảo luận 3: Ứng dụng công nghệ viễn thám mới và chia sẻ kinh nghiệm với nhóm các doanh nghiệp

Đại biểu đóng góp ý kiến cho Tọa đàm

Bà Summer Locke đại diện Công ty Boeing Hoa Kỳ phát biểu bế mạc Tọa đàm

Toàn thể đại biểu tham dự Toạ đàm