Buổi gặp gỡ giữa Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu (DRAGON-Mekong), Trường Đại học South Wales (USW) và tổ chức Wild Connect ở Vương Quốc Anh

Trong chuyến công tác đến ĐBSCL, đại diện Khoa Khoa học máy tính cùng đoàn sinh viên đại học và cao học tại Trường Đại học South Wales – USW và công ty Wild Connect tại Wales - Vương quốc Anh đã đến trao đổi học thuật với cán bộ tại Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu (DRAGON-Mekong) và nhóm sinh viên đại học tại Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT). Mục tiêu chính là giới thiệu về các ứng dụng công nghệ thông tin vào đánh giá môi trường, cụ thể là tích hợp kỹ thuật số vào phân tích đa dạng sinh học thông qua âm sinh học và kỹ năng xây dựng ứng dụng di động trên nền tảng của MIT App Inventor. Đoàn sinh viên USW đem những sáng kiến của mình để trình bày và trao đổi trực tiếp với nhóm sinh viên tại Trường ĐHCT để cùng nhau phát triển xa hơn các ứng dụng điện thoại hữu ích cho người dùng. PGS. TS Văn Phạm Đăng Trí – Viện trưởng Viện DRAGON-Mekong (Hình 1) đại diện chào đón đoàn công tác USW và Wild Connect với mong muốn việc hợp tác giữa các đơn vị không chỉ dừng lại sau chuyến viếng thăm này mà còn tiến xa hơn, và những chia sẻ từ đoàn công tác được các bạn sinh tại Trường ĐHCT vận dụng vào các nghiên cứu của mình.

Hình 1: PGS. TS Văn Phạm Đăng Trí chào đón đoàn công tác đến với DRAGON-Mekong.

Đại diện Trường Đại học South Wales (USW), TS. Shiny Verghese giới thiệu về Khoa Khoa học Máy tính, và các hoạt động nghiên cứu học thuật tại trường USW. TS. Shiny Verghese nhận định (Hình 2a): “Chúng tôi mong muốn đến thăm và làm việc với DRAGON-Mekong trong chuyến đi đến ĐBSCL lần này, nhằm thảo luận về chuyển đổi kỹ thuật số nhằm đánh giá các vấn đề môi trường cũng như hợp tác về sau. Đây cũng là cơ hội để nhóm sinh viên tại USW và nhóm bạn trẻ tại Trường ĐHCT giao lưu văn hóa và thúc đẩy hợp tác giữa Wales và Việt Nam. Vì ĐBSCL là vùng canh tác nông nghiệp và thủy sản, nên việc nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của đa dạng sinh học cho thế hệtrẻ là hết sức quan trọng.”

Hình 2: (a) TS. Shiny Verghese trình bày về các ứng dụng công nghệ thông tin tại USW vào đánh giá môi trường và (b) ThS. David Todd-Jones giới thiệu về thiết bị đo âm sinh học đang ứng dụng tại Vương quốc Anh.

Đồng hành cùng USW, công ty Wild Connect tại Vương quốc Anh đến thăm ĐBSCL – tổ chức hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và gắn kết cộng đồng với thiên nhiên hoang dã – giới thiệu thiết bị Biophone và  ứng dụng điện thoại Bird Merlin để phân tích tiếng chim tại khu vực ĐBSCL. Cả USW và Wild Connect đều mong muốn kết nối với nhóm sinh viên tại Trường ĐHCT để cùng nhau trải nghiệm về đánh giá âm sinh học thông qua ứng dụng điện thoại. Đại diện tổ chức Wild Connect (Hình 2b), ông David Todd-Jones trình bày về sứ mệnh của công ty là truyền bá kiến thức từ các dự án cộng đồng, khuyến khích nghiên cứu và hỗ trợ khoa học cũng như kêu gọi sự tham gia từ công chúng. Mục tiêu cho chuyến đi lần này là tiến hành thu thập tiếng chim bằng thiết bị Biophone để phân tích dữ liệu đa dạng sinh học tại ĐBSCL nhằm nâng cao nhận thức của thế hệ trẻ về tầm quan trọng của bảo tồn sinh học. Ông David Todd-Jones (Hình 3) hướng dẫn nhóm SV South Wales và Trường ĐHCT cách lắp thiết bị để thu âm sinh học trong khuôn viên trường trong 24h, kết quả thu được là các tệp âm thanh bao gồm tiếng chim, tiếng mưa và tiếng xe cộ. Kết quả này được phân tích bởi nhóm sinh viên cũng như lưu trữ vào bộ dữ liệu về đa dạng sinh học của công ty Wild Connect.

Hình 3: Ông David Todd-Jones hướng dẫn nhóm sinh viên gắn thiết bị “Biophone” thu thập âm sinh học trong khuôn viên Trường ĐHCT.

PGS. TS Văn Phạm Đăng Trí (Hình 4) đã trình bày chi tiết về các vấn đề môi trường (hạn hán, xâm nhập mặn, lũ lụt,…) và tác động trực tiếp lên sinh kế của người dân cũng như hệ sinh thái, và dòng chảy tự nhiên của nhiều con sông lớn tại đồng bằng đang bị tác động bởi phát triển đập thủy điện ở thượng nguồn. PGS. TS Văn Phạm Đăng Trí cũng mong muốn gắn kết học thuật để đồng hành cùng phía đối tác trong những dự án về môi trường sắp tới, đặc biệt là kết nối mạng lưới thanh niên Y-CoRe và USW.

Hình 4: PGS. TS Văn Phạm Đăng Trí trình bày các vấn đề môi trường đang xảy ra tại ĐBSCL.

Nhằm tạo cơ hội gắn kết giữa các nhóm sinh viên tại Việt Nam và Vương quốc Anh, Viện DRAGON-Mekong tổ chức buổi giao lưu cho nhóm thanh niên tham gia đề tài Y-CoRe 2 tại Trường ĐHCT với đoàn sinh viên của USW nhằm tạo điều kiện kết nối, giao lưu học thuật, chia sẻ kinh nghiệm và mở rộng mối quan hệ để phát triển kỹ năng nâng cao nhận thức về môi trường. Đây là cơ hội cho các bạn sinh viên của USW và Trường ĐHCT cùng nhau học tập và học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Ngoài ra, các sáng kiến và đề xuất của Y-CoRe 2 cũng được thảo luận tại đây để tìm kiếm cơ hội hợp tác với đoàn sinh viên Anh trong tương lai.

Hình 5: Nhóm thanh niên Y-CoRe 2 và USW giao lưu học thuật.

Sinh viên của USW và Trường ĐHCT được chia thành 05 nhóm phát triển các ứng dụng điện thoại dựa trên nền tảng MIT App Inventor (Hình 5). Ý tưởng được đánh giá cao nhất khi nhóm sinh viên USW – CTU hợp tác phát triển ứng dụng đa năng trên điện thoại tích hợp nhiều tiện ích giúp người dùng năng động hơn trong cuộc sống hàng ngày. Ứng dụng hướng đến việc trở thành người bạn đồng hành, đáp ứng nhiều nhu cầu từ giao tiếp và điều hướng đến khám phá và tiếp thu kiến thức (chụp ảnh độ phân giải cao, dịch thuật nhiều ngôn ngữ, nhận dạng các loài chim, cảm biến môi trường, hiển thị múi giờ, điều hướng toàn cầu với Google Maps). Ngoài ra, các ý tưởng về cảm biến bước chân, Merlin Bird, hay ý tưởng tích hợp định vị trên bản đồ cũng được đánh giá rất cao về hình thức và nội dung thực hiện. Không chỉ dừng lại ở việc lên ý tưởng nghiên cứu, mà đóng góp của các bạn sẽ làm tiền đề cho phát triển học thuật sâu hơn giữa hai Trường Đại học trong tương lai.

Hình 6: Các nhóm sinh viên trình bày ý tưởng.

Ngoài các trải nghiệm học thuật, đoàn công tác USW cùng cán bộ Viện DRAGON-Mekong viếng thăm và trải nghiệm văn hóa của miền Tây Nam Bộ ở nhiều nơi khác nhau tại ĐBSCL như Chợ nổi Cái Răng, Rừng tràm Trà Sư, Vườn trái cây Vàm Xáng, và Cồn Sơn.