Viện DRAGON-Mekong tham dự Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm các mô hình nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường”
Ngày 20 tháng 12 năm 2024 tại tỉnh Thừa Thiên Huế, Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu (DRAGON-Mekong), Trường Đại học Cần Thơ đã tham dự Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm các mô hình nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường”. Hội thảo do Tổ chức Oxfam tại Việt Nam tổ chức với sự tham dự của Sở ban ngành của tỉnh Thừa Thiên Huế, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển xã hội (CSRD), đại diện địa phương, cộng đồng từ huyện A Lưới, Thừa Thiên Huế, đại diện Tổ chức quản lý dự án SCR, Chi cục Thủy lợi Sóc Trăng, Hội Nông dân và Hội phụ nữ tỉnh Sóc Trăng, Trung tâm Tư vấn Phát triển Bền vững Tài nguyên nước và Thích nghi Biến đổi Khí hậu (CEWAREC), Trung tâm Bảo tồn và phát triển tài nguyên nước (WARECOD). Về phía TP.Cần Thơ có sự tham dự của Trung tâm vì sự phát triển phụ nữ Đồng bằng sông Cửu Long, HTX Ngũ Thường Mekong, Viện DRAGON-Mekong và các bạn sinh đang thực hiện đề tài trong khuôn khổ dự án “Nâng cao năng lực cho thanh niên trong ứng dụng năng lượng tái tạo và canh tác nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long”.
Mục tiêu của hội thảo nhằm chia sẻ kinh nghiệm mô hình nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường tại địa phương; Thúc đẩy và kết nối tổ chức và các nhóm cộng đồng chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức về canh tác nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu; Thúc đẩy hợp tác với chính quyền và đối tác địa phương trong quá trình thực hiện các mô hình, chuyển giao mô hình nhằm duy trì kết quả bền vững tại địa bàn.
PGS.TS. Lê Anh Tuấn, Cố vấn Khoa học, Viện DRAGON-Mekong giới thiệu một số mô hình chuyển đổi nông nghiệp, giảm phát thải và quản lý nguồn tài nguyên nước tại ĐBSCL
Phiên thảo luận giữa các cơ quan địa phương
Tại hội thảo, các bạn sinh viên đến từ các Khoa, Viện, Trường trong Trường Đại học Cần Thơ đã trình bày, gới thiệu về nghiên cứu khoa học của mình đã thực hiện trong khuôn khổ dự án “Nâng cao năng lực cho thanh niên trong ứng dụng năng lượng tái tạo và canh tác nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long”. Qua đây, các bạn sinh viên có cơ hội chia sẻ các kết quả, kinh nghiệm trong quá trình thực thực hiện đề tài đến với các địa phương khác.
Hội thảo đã tạo ra một diễn đàn quan trọng để chia sẻ kinh nghiệm, thúc đẩy hợp tác giữa các tổ chức, chính quyền và cộng đồng nhằm phát triển các mô hình nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu. Hội thảo cũng nhấn mạnh việc kết nối các tổ chức, chính quyền và cộng đồng để chia sẻ kiến thức, thông tin về các mô hình canh tác hiệu quả, đồng thời thúc đẩy việc lan tỏa các giải pháp bền vững trong cộng đồng. Mô hình nông nghiệp bền vững không thể thành công nếu thiếu sự hỗ trợ từ chính quyền và các đối tác địa phương. Do đó, hội thảo đã thúc đẩy hợp tác chặt chẽ và tạo cơ hội giữa cơ quan chính quyền và các tổ chức thực hiện mô hình, nhằm duy trì kết quả bền vững và mang lại hiệu quả cao trong việc bảo vệ môi trường ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đại biểu tham quan tại khu vực trưng bày của các bạn sinh viên
Ảnh lưu niệm